Nới điều kiện nhập máy móc qua sử dụng vì lợi ích quốc gia

Việc nhập khẩu máy móc, thiết bị có sử dụng nguồn vốn nhà nước sẽ có điều kiện chặt hơn đối với doanh nghiệp sử dụng vốn tư nhân, không từ nguồn vốn nhà nước.
Nới điều kiện nhập máy móc qua sử dụng vì lợi ích quốc gia ảnh 1(Ảnh minh họa: Quách Lắm/TTXVN)

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, lợi ích quốc gia là lớn nhất chứ không phải vì lợi ích của một ngành, một tập đoàn hay một doanh nghiệp nên việc ban hành Thông tư 20 sau khi xây dựng lại sẽ đáp ứng một số yêu cầu, kiến nghị của các đơn vị nhưng vẫn đảm bảo cho doanh nghiệp ổn định sản xuất và phát triển bền vững.

Ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ nhấn mạnh.

Lợi ích quốc gia

Dự thảo 3 Thông tư sửa đổi thông tư 20 đã đưa ra mức quy định chung nhất cho các loại máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng nhập khẩu, không quy định các trường hợp đặc biệt nhằm tránh việc giải trình, xin-cho của doanh nghiệp khi áp dụng.

Qua ý kiến góp ý tại hai buổi họp với các Bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức, các doanh nghiệp và tại cuộc họp lấy ý kiến dự thảo 2 Thông tư, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng Việt Nam đề ra các biện pháp quản lý nhằm bảo vệ lợi ích chung của xã hội, nhưng cần cân nhắc, áp dụng biện pháp “mềm dẻo” và có tính khả thi để không “làm khó” cho doanh nghiệp.

Việc nhập khẩu máy móc, thiết bị có sử dụng nguồn vốn nhà nước sẽ có điều kiện chặt hơn đối với doanh nghiệp sử dụng vốn tư nhân, không từ nguồn vốn nhà nước.

Doanh nghiệp nhà nước khi nhập khẩu phải đáp ứng đồng thời cả hai tiêu chí về thời gian sử dụng và chất lượng còn lại.

Còn doanh nghiệp khác được lựa chọn áp dụng hoặc thời gian sử dụng (không quá 10 năm) hoặc chất lượng còn lại (80% trở lên).

Việc giám định chất lượng còn lại của máy móc, thiết bị sẽ do tổ chức giám định thực hiện.

Để hỗ trợ “tối đa” cũng như tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng dự kiến chỉ định các tổ chức giám định gồm Công ty Cổ phần Giám định Vinacontrol - Vinacontrol Hà Nội; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bureau Veritas Việt Nam; Công ty Trách nhiệm hữu hạn SGS Việt Nam và 3 Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, 2 và 3 thuộc Tổng Cục tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bên cạnh đó, do đặc thù từng ngành, các Bộ, ngành quản lý có thể tiếp tục đề xuất và chỉ định thêm các tổ chức giám định để thực hiện nhiệm vụ giám định chất lượng thiết bị, máy móc của ngành.

Để hoạt động dần đi vào nền nếp, dự kiến Thông tư sửa đổi Thông tư 20 sẽ áp dụng theo lộ trình.

Thời gian đầu (từ khi Thông tư sửa đổi Thông tư 20 chính thức có hiệu lực đến 31/12/2016), cho phép các tổ chức giám định có đăng ký hoạt động giám định theo Luật Thương mại, đáp ứng các điều kiện quy định trong Thông tư, được hoạt động. Giai đoạn tiếp theo, từ 01/01/2017, chỉ các tổ chức giám định được chỉ định bởi các Bộ, ngành mới được phép hoạt động.

Sửa đổi Thông tư 20

Trước khi có Thông tư 20, Chính phủ để doanh nghiệp tự điều chỉnh, tự nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ theo điều kiện kinh tế nhưng thực tế có quá nhiều “vấn đề” trong nhập khẩu máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng làm.

Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013, đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có Nghị định quy định về kiểm soát nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, đây là chỉ đạo của Chính phủ để ngăn chặn máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ, lạc hậu và tiêu hao năng lượng lớn, ảnh hưởng đến môi trường, an toàn.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân khẳng định việc quản lý nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng là cần thiết và có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước cũng như đánh giá trình độ khoa học công nghệ Việt Nam. Vì vậy, Thông tư sửa đổi Thông tư 20 chắc chắn sẽ được ban hành “trở lại.”

Để thực hiện việc ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 20, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã chỉ đạo sát sao việc xây dựng Thông tư sửa đổi Thông tư 20 để ban hành vào Quý 1/2015 và thời gian chậm nhất là cuối tháng 3/2015. Theo dự thảo Thông tư sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 7/2015.

Ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 20 bảo đảm các yếu tố pháp lý khi Việt Nam hội nhập thế giới, không mâu thuẫn với những cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với quốc tế.

Tính đến thời điểm hiện nay, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hạn “chót” để Thông tư sửa đổi Thông tư 20 được ban hành, vì vậy, cần sự quyết tâm của Chính phủ, Nhà nước, Bộ, ngành cũng như sự đồng lòng, ủng hộ của doanh nghiệp để Thông tư được ban hành.

Nếu chỉ vì lợi ích của một ngành, một tập đoàn hay một doanh nghiệp thì không biết đến bao giờ Thông tư sửa đổi Thông tư 20 mới được ban hành và đi vào thực tiễn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.