Theo hãng tin AFP, những nhân vật quyền lực tại Trung Đông và Bắc Phi sẽ lo lắng dõi theo các phong trào biểu tình nhân dân, vốn bùng phát bởi người dân quá thất vọng với điều kiện sống khó khăn và nạn tham nhũng trong giới lãnh đạo - những nhân tố đã đẩy cựu Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika và Tổng thống Sudan Omar al-Bashir khỏi chiếc ghế quyền lực.
Mặc dù các sự kiện gần đây ở Algeria và Sudan hoàn toàn bắt nguồn từ chính nội bộ những nước này và không liên quan gì đến những nước khác, song giới phân tích cho rằng sự sụp đổ nhanh chóng của Bouteflika và Bashir là lời cảnh báo đối với các nhà lãnh đạo trong khu vực rằng họ không nên phớt lờ cơn thịnh nộ của người dân, đặc biệt không nên bỏ qua những lời phàn nàn than vãn về tình trạng kinh tế yếu kém, bởi điều đó sẽ khiến họ phải nhận "trái đắng."
Quân đội Sudan ngày 11/4 cho biết sau 4 tháng đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối, Tổng thống Bashir đã bị phế truất và bị giam giữ, chấm dứt 30 năm nắm quyền của ông.
Tuần trước, các cuộc biểu tình rầm rộ cũng đã buộc vị Tổng thống ốm yếu của Algeria là Bouteflika phải từ chức sau 20 năm tại vị.
Trong cả hai biến cố nói trên, các cơ quan an ninh đã hỗ trợ các cuộc biểu tình quy mô lớn để loại bỏ các nhà lãnh đạo "tham quyền cố vị."
Tuy nhiên, điều này cũng làm tiêu tan ước vọng về một cuộc cách mạng thực sự, mang lại sự ổn định hơn nữa trong tương lai.
Bài học trong công tác lãnh đạo
Marc Pierini - học giả tại Carnegie Europe và từng là Đại sứ của Liên minh châu Âu (EU) tại Tunisia, Libya, Syria, Maroc và Thổ Nhĩ Kỳ - nói: "Quả thực, bối cảnh ở Algeria và Sudan rất khác nhau.
Tuy nhiên, đây cũng là một bài học đối với những kẻ chuyên quyền và độc tài rằng ở khắp nơi trên thế giới, rằng luôn tồn tại những mong muốn, khát khao về sự công bằng, dân chủ và sự bình đẳng...
Ở cả hai nước này, có lẽ người dân đã chán ngấy khi phải chứng kiến những nhà lãnh đạo tham quyền cố vị, và tham nhũng... Điều thú vị là các lực lượng vũ trang không ủng hộ những kẻ độc tài và có lẽ họ đã 'nhìn xa trông rộng hơn."
Quốc gia láng giềng của Algieria là Maroc đang nằm dưới sự điều hành của chế độ quân chủ, trong khi Ai Cập đang được một cựu tướng quân đội, Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi, lãnh đạo.
Dõi theo với sự lo lắng
Sharan Grewal - học giả giàu kinh nghiệm tại Trung tâm Chính trị Trung Đông tại Viện Brookings - cho rằng rất khó để dự đoán liệu những diễn biến mới nhất này có thể làm bùng phát trở lại các cuôc biểu tình Mùa xuân Arab năm 2010-2011 hay không?
Mùa Xuân Arab đã lật đổ các chế độ cầm quyền tại Ai Cập, Tunisia và dẫn đến các cuộc chiến tại Syria và Yemen.
[Biểu tình ở Algeria - Tác nhân làm bùng phát Mùa xuân Arab 2.0?]
"Điều đó cho thấy các cuộc cách mạng có xu thế diễn ra dưới hình thức những phong trào lớn," Grewal nói, đồng thời dẫn chứng Mùa xuân Arab và cái gọi là các cuộc cách mạng màu ở các nước hậu Liên bang Soviet như Ukraine và Gruzia trong thập kỷ trước cũng như sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu năm 1989.
Ông nói thêm rằng yêu cầu của những người biểu tình là loại bỏ tình trạng tham nhũng và cải thiện các điều kiện sống. những yêu cầu đó đã gây tiếng vang vượt ra ngoài biên giới của Sudan và Algeria.
Ông nhấn mạnh: "Chắc chắn, những kẻ độc tài trong khu vực đang dõi theo các cuộc nổi dậy này với thái độ vô cùng lo lắng."
Haim Malka - học giả cấp cao và cũng là Phó giám đốc Chương trình Trung Đông tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) - cho rằng các chế độ đã từng bước nắm bắt và điều chỉnh trong việc kết hợp giữa sự dịch chuyển vấn đề kinh tế, nhân khẩu học và công nghệ."
Trao đổi với hãng tin AFP, ông cho biết thêm rằng "khu vực này sẽ phải đối mặt với tình trạng bất ổn hơn nữa trong bối cảnh người dân và các chế độ đang nỗ lực thương lượng lại về quy chế giao ước xã hội. Sẽ mất vài năm mới có thể hình thành một trạng thái cân bằng mới."
Tình thế tiến thoái lưỡng nan
Những chấn động tại Algiers và Khartorum sẽ gây tác động vượt ra ngoài khu vực Trung Đông.
Một nhân vật quyền lực khác phải rời bỏ chính trường vào mùa Xuân này là Tổng thống Kazakstan Nursultan Nazarbayev, người đã từ chức với mục tiêu mà theo nhận định của giới phân tích là để đảm bảo có được một tiến trình chuyển giao quyền lực có kiểm soát tại thời điểm nền kinh tế nước này hết sức bấp bênh.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, mà đảng cầm quyền của ông đã đánh mất sự ủng hộ tại hai thành phố lớn nhất trong cuộc bầu cử hồi tháng 3 vừa qua, hiện đang chờ kết quả tại Istanbul, sẽ dõi theo các sự kiện ở Sudan một cách sát sao, đặc biệt là sau nhiều lần nước này tiếp đón Bashir bất chấp lệnh bắt giữ của Toàn án Tội phạm Quốc tế (ICC).
Và cho dù một nhà lãnh đạo phải rời bỏ quyền lực thì câu chuyện cũng còn lâu mới chấm dứt.
Anthony Skinner - Giám đốc công ty Verisk Maplecroft, công ty đánh giá rủi ro - cho rằng người kế nhiệm lâm thời của cựu Tổng thống Bouteflika là Abdelkader Bensalah đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi ông vừa phải tìm cách đáp ứng yêu cầu của những người biểu tình, vừa phải đảm bảo sự ổn định cho đất nước.
Ông nói: "Tôi hy vọng những người biểu tình sẽ tiếp tục duy trì áp lực đối với giới tinh hoa chính trị, cho dù cảnh sát có sử dụng vòi rồng, hơi cay và dùi cui. Chính quyền muốn duy trì lộ trình hiện tại, nhưng họ lại không đưa ra thêm bất kỳ sự nhượng bộ nào"./.