Nội luật hóa Luật Sở hữu trí tuệ không trái với các cam kết quốc tế

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ Luật Sở hữu trí tuệ là luật khó, phức tạp, có tính chuyên môn sâu và liên quan đến nhiều điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Nội luật hóa Luật Sở hữu trí tuệ không trái với các cam kết quốc tế ảnh 1Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, ngày 31/5, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được quy định tại Điều 13 của Hiến pháp năm 2013. Điều 351 của Bộ luật Hình sự, Điều 16 của Luật An ninh mạng đã có quy định cụ thể về xử lý tội phạm, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế diễn ra thường xuyên, việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể dục, thể thao ở trong nước, nước ngoài và cả trên không gian mạng trở nên phổ biến hơn.

Việc tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu vừa bảo đảm sự tôn nghiêm của các biểu tượng quốc gia trong đời sống xã hội, vừa bảo đảm quyền thụ hưởng của người dân.

Do đó, để bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật cũng như nội dung và phạm vi quy định của Điều 7 Giới hạn quyền sở hữu trí tuệ, đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý khoản 2 Điều 7 như sau: “Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.”

Cũng tại phiên họp sáng nay, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về một số nội dung như: Cơ chế giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; việc thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài; điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; hạn chế quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng; trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian.

Nội luật hóa Luật Sở hữu trí tuệ không trái với các cam kết quốc tế ảnh 2Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho rằng, dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung lần này đã phần lớn giải quyết được những khó khăn, vướng mắc phát sinh về vấn đề sở hữu trí tuệ, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Sau khi được tiếp thu, chỉnh sửa, dự thảo Luật đã đáp ứng được cơ bản mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, đảm bảo chất lượng, thể chế hóa chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên…

[Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục]

Nêu ý kiến về trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) ủng hộ việc quy định nội dung này vào dự thảo Luật.

Bởi đó là sự thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta và phù hợp với Hiệp ước Marrakesh về giới hạn và ngoại lệ cho trường hợp khuyết tật về khả năng nhìn, đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường mà Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập.

Tuy nhiên, đối với đối tượng là tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ được hưởng ngoại lệ để hỗ trợ thực hiện việc sao chép, phân phối, chuyển đợt, bản sao các tác phẩm dưới định dạng, dễ tiếp cận.

Giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Luật Sở hữu trí tuệ là luật khó, phức tạp, có tính chuyên môn sâu và liên quan đến nhiều điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong các lĩnh vực về quyền tác giả, quyền liên quan.

Cho nên việc nội luật hóa để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, không trái với các cam kết quốc tế, tận dụng được các cơ hội mà các hiệp định tự do đem lại để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cũng như thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước là một điều phức tạp.

Chiều 31/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về hai dự án Luật: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Nội luật hóa Luật Sở hữu trí tuệ không trái với các cam kết quốc tế ảnh 3Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Dương Khắc Mai phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Cho ý kiến thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình cao với việc sửa đổi Luật sau 14 năm thực hiện. Việc sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giải quyết những bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) cho rằng, một trong những yếu tố để nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những hành vi về bạo lực gia đình để những hành vi này được nhận diện rõ ràng trong cộng đồng xã hội.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật bổ sung hành vi bạo lực gia đình trên không gian mạng; đề nghị có sự phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Văn An (Thái Bình) chỉ ra rằng, tại khoản 1 Điều 20 dự thảo Luật quy định “Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình là việc người tiến hành hòa giải hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp để không làm phát sinh bạo lực gia đình hoặc chấm dứt bạo lực gia đình.”

Theo đó, dự thảo Luật chỉ quy định hướng dẫn chưa đầy đủ, phổ quát hết các hình thức hòa giải trong thực tiễn; mặt khác, nếu theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở, ngoài hướng dẫn ra còn có giúp đỡ. Do đó, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung thêm các hình thức hòa giải khác như giúp đỡ, giải thích, các biện pháp vận động, thuyết phục khác…

Tham gia thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn dự thảo Luật cần phải làm rõ hơn nữa hai vế phòng và chống, trong đó, phòng bao giờ cũng phải cơ bản đi trước, chống cần phải cương quyết.

Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa thể hiện thỏa mãn các giải pháp, biện pháp để phòng ngừa bạo lực gia đình. Nội dung phòng ngừa mới chỉ chủ yếu đề cập đến việc thông tin, tuyên truyền, trong khi việc phòng ngừa cần phải hướng đến không dám, không thể thực hiện bạo lực. Có như vậy, đến khi luật ban hành ra mới tạo được chuyển biến căn bản trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá dự thảo Luật chưa thể hiện rõ được mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình. Bên cạnh việc xã hội hóa đầu tư cho các cơ sở bảo trợ xã hội, dự thảo Luật cần đặt vấn đề phát huy vai trò của xã hội nói chung trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Cũng trong chiều 31/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật này nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.”

Đại biểu Trần Quốc Tỏ (Bắc Ninh) cho rằng, dự án Luật nếu được Quốc hội thông qua và đi vào cuộc sống sẽ mang lại tác động rất tích cực. Đây là Luật có tính nhạy cảm rất cao, đặc biệt có liên quan đến an ninh trật tự, các góc độ về thông tin, giám sát, phản biện xã hội...; rất dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, kích động, làm sai lệch đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cũng cần nghiên cứu tham mưu về việc tuyên truyền, nắm bắt những nội dung có liên quan đến sự thành công của xây dựng Luật này để tạo sự chủ động trong triển khai.

Cho ý kiến về các quy định trong dự thảo Luật liên quan đến dân chủ trong các doanh nghiệp, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, dân chủ là khái niệm người dân với chính quyền.

Dân làm chủ, cán bộ, công chức là "đầy tớ của dân" như Bác Hồ nói. Cán bộ, công chức được dân nộp thuế và trả lương. Như vậy, dân chủ cơ sở áp dụng ở cấp xã phường thì hoàn toàn xác đáng, nhưng với doanh nghiệp lại không phù hợp. Bởi đây là mối quan hệ khác, chủ doanh nghiệp bỏ tiền thuê người lao động. Với mối quan hệ này, nếu áp vào dân chủ ở cơ sở thì rất khiên cưỡng.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nhấn mạnh hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước hiện nay chưa phát huy được vai trò, hiệu quả trong kiểm tra, giám sát tại cơ sở.

Điều này là do địa vị pháp lý và cơ chế hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân không thể thực hiện được chức năng nhiệm vụ mà pháp luật đã quy định, khi Ban Thanh tra nhân dân giám sát người đứng đầu, nhưng lại phải thực hiện nhiệm vụ do người đứng đầu giao.

Do đó, đại biểu đề nghị xem xét có quy định để xử lý tình trạng này, đồng thời cân nhắc bổ sung quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bỏ phiếu đánh giá người đứng đầu sau khi thực hiện nội dung kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức hàng năm của đơn vị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục