100 năm kể từ khi bộ môn xiếc có mặt tại Việt Nam, nói đến xiếc là nghĩ tới 2 chữ “đặc thù”. Nếu như trên sàn diễn, xiếc là bộ môn nghệ thuật đầy sự mạo hiểm, thì phía sau bức rèm sân khấu, xiếc là một quá trình tập luyện dày đặc, vô cùng khắc nghiệt và khó khăn.
Vất vả là thế, nhưng ngay tại thủ đô, nơi sản sinh ra những tiết mục chất lượng và những nghệ sĩ hàng đầu đất nước mang tên Nhà hát nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội, các nghệ sĩ tại đây đang phải tập luyện trong một điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng.
[Đào tạo xiếc Việt: Trải lòng của 'người lái đò' trên dây đu văng]
Là nhà hát nhưng không có sân khấu, không có ánh đèn, chẳng có khán đài và càng không có những tiếng vỗ tay rộn ràng của khán giả. Đằng những phút thăng hoa trên các sâu khấu đi thuê mượn là một nơi luyện tập xuống cấp đến khó tin, thậm chí không đáp ứng đủ tiêu chuẩn tối thiểu cho những tiết mục đòi hỏi độ khó cao.
Từng có một thời, đoàn xiếc Hà Nội đã chinh chiến khắp các sân khấu lớn nhỏ trong nước và quốc tế, nhiều nghệ sĩ thành danh đã trưởng thành từ đây và cống hiến cho nền nghệ thuật chung của đất nước.
Tuy nhiên theo thời gian, ngày càng nhiều loại hình nghệ thuật có tính cạnh tranh cao với sân khấu truyền thống, nhà hát không còn được đầu tư, nâng cấp, từ những nốt “thăng”, hiện nay xiếc Hà Nội đang phải đối mặt với những nốt trầm trong sự tiếc nuối của biết bao thế hệ nghệ sĩ đã và đang kiên trì gắn bó với nhà hát.
Dẫu cho bao thăng trầm của nghề nghiệp, mặc cho những khó khăn, rủi ro luôn rình rập và cũng chẳng biết đến bao giờ những người nghệ sĩ của nhà hát nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội mới có một nơi luyện tập và biểu diễn cố định, nhưng chỉ cần còn những tràng vỗ tay của khán giả, còn những người quan tâm đến xiếc, những người ở lại vẫn uốn mình, vẫn đu dây, vẫn nhào lộn mỗi khi đỏ đèn sân khấu. Có lẽ, cái nghiệp gắn với đam mê và lòng yêu nghề là lời giải đáp duy nhất cho câu hỏi: “Vì sao nghệ sĩ xiếc vẫn miệt mài cống hiến?”./.