Nóng 'cuộc chiến' ngân sách giữa Italy và Liên minh châu Âu

Ủy ban châu Âu (EC) lo ngại chỉ tiêu thâm hụt ngân sách này có thể làm gia tăng nợ công của Italy, hiện đã ở mức tương đương 131% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Nóng 'cuộc chiến' ngân sách giữa Italy và Liên minh châu Âu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Chính phủ Italy vừa đưa ra kế hoạch ngân sách cho năm 2019, theo đó gia tăng chi tiêu cũng như nâng chỉ tiêu thâm hụt ngân sách lên 2,4%, gấp 3 lần so với mức chỉ tiêu của chính phủ tiền nhiệm.

Giới phân tích cho rằng kế hoạch ngân sách này có thể gây mâu thuẫn giữa Italy và Liên minh châu Âu (EU).

Chỉ tiêu thâm hụt ngân sách 2,4% của Italy vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức trần 3% của EU. Tuy nhiên, Italy hiện lại có mức nợ công cao thứ hai trong EU, sau Hy Lạp, và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất.

Vì vậy, Ủy ban châu Âu (EC) lo ngại chỉ tiêu thâm hụt ngân sách này có thể làm gia tăng nợ công của Italy, hiện đã ở mức tương đương 131% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

[Italy không có ý định rời Eurozone, tập trung cắt giảm nợ công]

Báo La Stampa của Italy cho rằng kế hoạch ngân sách này là “một lời tuyên chiến” của Rome với Brussels. Đây là cuộc chiến mà Italy sẽ giành thắng lợi, dù cho EC có bác bỏ kế hoạch ngân sách này hay đưa ra biện pháp trừng phạt Italy do đã vi phạm các quy định của EU về thâm hụt ngân sách.

Chính phủ dân túy, cực hữu Italy sẽ coi đây như là một ví dụ về sự can thiệp của Brussels vào các vấn đề nội bộ của Italy.

EC sẽ quyết định phải làm gì vào tháng tới khi Italy chính thức gửi kế hoạch ngân sách của họ cho Brussels. Nếu EC không có động thái gì, điều đó có nghĩa Brussels "bật đèn xanh" cho kế hoạch ngân sách của Italy. Nhưng nếu Brussels hành động, Chính phủ Italy lúc đó có thể sẽ đóng vai là nạn nhân của một EU “độc đoán.”

Đây là một chiến thuật khá phổ biến và đã từng được Italy áp dụng thành công khi đổ lỗi cho EU trong vụ sập cầu cạn ở Genoa làm 40 người thiệt mạng hồi tháng 8.

Tuy nhiên, mối đe dọa thực sự đối với Italy không phải là từ EC mà chính là các thị trường tài chính. Chênh lệch về chi phí vay mượn giữa Italy và Đức đã tăng lên tới 2,8% trong ngày 28/9, gần gấp đôi so với thời điểm trước khi chính phủ dân túy, cực hữu ở Italy lên nhậm chức.

Cổ phiếu của các ngân hàng Italy cũng đã bị sụt giảm mạnh trong ngày giao dịch cuối cùng của tuần này. Ngoài ra, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm cũng có thể sẽ tính đến khả năng hạ bậc tín nhiệm của Italy và điều này càng tác động mạnh đến các thị trường tài chính.

Hai Phó Thủ tướng của Italy là ông Matteo Salvini và ông Luigi Di Maio lập luận rằng, kế hoạch ngân sách mới của Italy sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng thu nhập và cho phép nợ công giảm khoảng 1% GDP.

Ông Salvini tuyên bố nếu EU bác bỏ kế hoạch ngân sách của Italy thì nước này sẽ vẫn cứ xúc tiến kế hoạch của mình.

Phó Thủ tướng Di Maio thì có lời lẽ ôn hòa hơn chút ít. Ông Di Maio khẳng định chính phủ của ông không hề muốn gây mâu thuẫn với EU và đang bắt đầu cuộc đối thoại với EU về vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.