Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, do 3 năm trở lại đây giá càphê liên tục giảm mạnh nên nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã dần chặt bỏ để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn.
Cụ thể, nếu như năm 2014, diện tích trồng càphê của toàn tỉnh gần 7.000ha, thì đến nay chỉ còn hơn 6.000ha. Năng suất trung bình 2 tấn/ha, sản lượng bình quân đạt hơn 10.766 tấn.
Đặc biệt, giá càphê giảm từ 6.000-7.000 đồng/kg so với năm 2014 và đang ở mức 33.000-34.000 đồng/kg. Do đó, nhiều chủ vườn đã chặt bỏ chuyển sang trồng một số loại cây khác như hồ tiêu.
Huyện Châu Đức là địa phương có diện tích càphê lớn nhất của tỉnh, với 4.600ha, tiếp theo đó là các địa phương Tân Thành, Xuyên Mộc.
Tuy nhiên, diện tích trồng càphê của Châu Đức cũng đang giảm nhanh. Xã Xà Bang là một trong những địa phương có diện tích trồng càphê lớn ở huyện Châu Đức, trong vòng 3 năm trở lại đây, diện tích trồng càphê đã giảm 75%, hiện tại chỉ còn 100ha do người dân chặt bỏ để trồng tiêu.
Do giá càphê không ổn định, những hộ trồng với diện tích lớn thì đua nhau chặt bỏ, còn những hộ mới trồng cũng khá e dè trong quá trình đầu tư.
Ông Phạm Văn Bình, ấp Liên Sơn, xã Xà Bang, huyện Châu Đức có 1,6 ha đất nhưng chỉ trồng 4 sào càphê, còn lại trồng tiêu và một số cây công nghiệp khác.
Vụ càphê năm ngoái, ông Bình thu về 3 tạ hạt, với giá 40.000 đồng/kg, ông lời khoảng 8 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Năm nay, do thời tiết thuận lợi, lượng nước tưới tiêu đầy đủ, ông Bình ước tính sẽ thu về 4-5 tạ càphê, trị giá khoảng 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo ông Bình, giá càphê ngày càng giảm nên ông không có ý định đầu tư nhiều phân bón, thuốc trừ sâu… vào loại cây trồng này.
Hiện tại, ông cũng có ý định chặt bỏ một phần vườn càphê để chuyển qua trồng hồ tiêu, cây trồng mà ông cho là đang mang lại siêu lợi nhuận cho người nông dân.
Trong khi đó, gia đình ông Vương Khả Phú ở ấp Tân Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức, từ năm 1997 bắt đầu trồng 400 gốc càphê xen canh hồ tiêu, điều trên diện tích 6.000m2. Đến năm 2014, ông Phú tăng diện tích trồng càphê lên 2,2ha với 1.600 gốc.
Trung bình, mỗi năm vườn càphê của ông cho thu hoạch gần 2 tấn/ha. Với giá 40.000 đồng/kg càphê khô, ông Phú lời khoảng 80 triệu đồng sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, điện, nước…
Tuy nhiên, sang năm 2015, giá càphê ngày càng giảm, ông Phú quyết định chặt bỏ 400 gốc càphê chuyển sang trồng tiêu.
Ông Phú so sánh, nếu được mùa, một ha càphê cho thu hoạch từ 3-4 tấn hạt, với mức giá hiện nay 33.000-34.000 đồng/kg cho thu nhập từ 100-135 triệu đồng.
Trong khi đó, mỗi năm một ha tiêu thu được 3-4 tấn, giá 170.000-200.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người trồng tiêu có lãi khoảng 600-700 triệu đồng.
Bà Trần Thị Hiến, Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện tại diện tích trồng càphê trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm.
Trong khi đó, diện tích trồng hồ tiêu tăng chóng mặt. Theo quy hoạch, đến năm 2020, diện tích trồng tiêu sẽ ở mức 8.300ha.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, diện tích trồng tiêu đã lên đến hơn 11.000 ha. Do đó, người dân cần thận trọng và cân nhắc trong việc đua nhau chặt bỏ càphê để trồng tiêu, bởi cây tiêu là cây trồng rất khó chăm sóc và dễ nhiễm bệnh, trong khi càphê lại dễ trồng hơn và ít nhiễm bệnh hơn.
Bà Hiến cũng nhấn mạnh, để trồng càphê hiệu quả, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nên tuyển chọn những giống càphê có chất lượng cao như càphê ghép để trồng, do giống cây này cho sản lượng cao gấp 1,5 lần so với giống càphê thường.
Ngoài ra, để phát triển hiệu quả sản xuất càphê trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ chú trọng đến vấn đề hỗ trợ về cây giống, công tác xúc tiến thương mại, thông tin thị trường... cho người trồng càphê./.