Ngày 22/2, nông dân Cộng hòa Séc, Slovakia và các quốc gia khác thuộc Trung Âu đã biểu tình và chặn một số cửa khẩu dọc biên giới Cộng hòa Séc, nhằm phản đối tình trạng cạnh tranh không công bằng và cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cần có những thay đổi về chính sách nông nghiệp.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Âu, nông dân các nước nói trên đã chặn cửa khẩu Hodonin-Holic Holic ở biên giới Cộng hòa Séc và Slovakia khi đưa hàng trăm máy kéo chặn đường cao tốc, trong đó nhiều máy cắm cờ Cộng hòa Séc hoặc Slovakia.
Nông dân Hungary cũng xuất hiện trong các đám đông biểu tình.
Hãng thông tấn CTK của Cộng hòa Séc đưa tin nông dân nước này và Ba Lan cũng chặn một phần lối qua lại biên giới ở Đông Bắc Cộng hòa Séc, nơi người nông dân lái hàng chục máy cày đổ về biểu tình dọc đường.
Hàng loạt nước EU đương đầu với làn sóng biểu tình mới của nông dân
Làn sóng biểu tình của nông dân đã lan rộng trong EU khi nông dân nhiều nước ở Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Italy và Hy Lạp đã tiến hành các cuộc biểu tình dẫn tới tình trạng tắc nghẽn nhiều tuyến đường.
Nông dân cũng lên kế hoạch biểu tình tại các điểm biên giới khác của Cộng hòa Séc, trong đó có các điểm qua lại với Đức.
Phòng Nông nghiệp Cộng hòa Séc cho biết riêng tại quốc gia này đã có 3.000 máy kéo đã tham gia biểu tình. Nông dân Slovakia cũng lái máy kéo khắp thủ đô Bratislava của nước này.
Cuộc biểu tình trên do Phòng Nông nghiệp Cộng hòa Séc khởi xướng và kêu gọi các tổ chức nông nghiệp khác tại Trung Âu cùng tham gia.
Trong tuyên bố chung với các tổ chức nông nghiệp chủ chốt của các quốc gia khác, Phòng Nông nghiệp Cộng hòa Séc cho rằng các cuộc biểu tình của người nông dân trên khắp châu Âu cho thấy sự cần thiết sửa đổi các điều khoản của Chính sách Nông nghiệp chung EU.
Tuyên bố cũng cũng khẳng định nhiệm vụ hàng đầu của nông nghiệp vẫn là phải bảo đảm an ninh lương thực, sản xuất thực phẩm có chất lượng và an toàn, đồng thời duy trì được khả năng trụ vững về kinh tế của người nông dân.
Hoạt động biểu tình của nông dân đang diễn ra trên khắp châu Âu. Người biểu tình huy động máy kéo, lập các chốt chặn giao thông tại Ba Lan, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy và nhiều quốc gia khác.
Nông dân muốn nhà chức trách kiểm soát nhập khẩu, giảm thuế nhiên liệu, giá sản phẩm tốt hơn và nới lỏng các quy định của EU về môi trường.
Nông dân các nước Trung Âu còn bất bình trước sự cạnh tranh không công bằng từ nước ngoài, đặc biệt là Ukraine, sau quyết định hồi năm 2022 của EU về việc miễn thuế đối với thực phẩm nhập khẩu từ Ukraine./.