Ngày 6/2, nông dân Mỹ đã bắt tay với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm thành lập liên minh phản đối đạo luật dán nhãn các thực phẩm biến đổi gen (GMO) trên toàn nước Mỹ.
Liên minh vì Thực phẩm an toàn và vừa túi tiền gồm 30 thành viên, trong đó có những người nông dân trồng ngô, các chủ cơ sở sản xuất bánh mỳ, chủ nhà hàng, ngư dân và các tập đoàn kinh doanh tạp hóa, đã cùng nhau kêu gọi giới chức các bang của Mỹ không thực hiện luật dán nhãn GMO trên thực phẩm vì cho rằng chưa có đủ bằng chứng khoa học chứng minh thực phẩm có nguồn gốc GMO gây hại cho sức khỏe con người.
Năm ngoái, hơn một nửa số bang ở nước Mỹ đã đưa ra các dự luật yêu cầu dán nhãn sản phẩm GMO. Tuy nhiên, mới chỉ có hai bang thông qua quy định này và chưa có bang nào thực hiện.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Đậu nành Mỹ Ray Gaesser, việc các bang có quy định dán nhãn GMO khác nhau sẽ khiến nông dân không thể tuân thủ đầy đủ các quy định cũng như thực sự tập trung làm ra các thực phẩm an toàn với giá cả hợp lý. Cũng theo ông Gaesser, luật dán nhãn GMO áp dụng ở từng bang sẽ gây rắc rối và thiệt hại cho ngành nông nghiệp, khiến giá sản phẩm tăng 15 đến 30%.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất tạp phẩm Pamela Bailey kêu gọi một giải pháp liên bang, theo đó chỉ dán nhãn GMO trên thực phẩm và đồ uống nếu Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) xác nhận các thực phẩm chứa GMO thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, đồng thời yêu cầu FDA cần quy định rõ các tiêu chuẩn dán nhãn và các công ty có thể áp dụng một cách tự nguyện.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Trung tâm an toàn thực phẩm Andrew Kimbrell cho rằng các tập đoàn kinh doanh thực phẩm đứng đằng sau "giật dây" việc thành lập liên minh trên, nhằm dập tắt dư luận cũng như tước đi quyền lợi của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các loại thực phẩm tùy theo nhu cầu sử dụng.
Một cuộc thăm dò do tờ Thời báo New York thực hiện năm 2013 cho thấy 93% người Mỹ muốn thực phẩm GMO phải được ghi nhãn.
Mỹ hiện là một trong những nước sản xuất thực phẩm GMO nhiều nhất trên thế giới, với 80% loại thực phẩm ở nước này có nguồn gốc biến đổi gen. Các loại cây nông nghiệp như ngô, đậu nành và củ cải đường được áp dụng công nghệ biến đổi gen trong nhiều năm qua vì nông dân Mỹ cho rằng những loại cây trồng này có khả năng chống chọi với sâu bọ và thời tiết khắc nghiệt.
Tuy nhiên, các thực phẩm đã qua công nghệ biến đổi gen đang gây tranh cãi tại Mỹ. Những người phản đối cho rằng những sản phẩm này không an toàn đối với sức khỏe của cả con người và động vật, gây ra nhiều hậu quả đối với môi trường sinh thái do sử dụng các loại hóa chất trong nông nghiệp.
Mới đây nhất, hồi tháng 12 vừa qua, Trung Quốc đã gửi trả hơn 500.000 tấn ngô nhập khẩu từ Mỹ do phát hiện thành phần biến đổi gen không phù hợp với tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp nước này./.