Mặc dù còn hơn gần 10 ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tuy nhiên, nhiều diện tích đào phai tại xã Nam Anh, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã nở rộ khiến nhiều hộ gia đình trồng đào đứng ngồi không yên.
Đến vườn đào phai gần 100 gốc của gia đình ông Nguyễn Văn Tam tại xóm 9, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, chúng tôi bắt gặp những cây đào đã bung nở khoe sắc. Nhìn những cây đào phai với thế cực đẹp đã bung nở 80%-90% số búp hoa, trong khi còn hơn 10 ngày nữa mới tới Tết khiến gia đình ông Tam không khỏi lo lắng về nguồn thu nhập từ bán đào sẽ bị sụt giảm so với các năm trước.
Để có những gốc đào thế đẹp cung ứng trong dịp Tết, hơn hai tuần nay, ngày nào ông Tam cũng ra vườn đào, tất bật chăm sóc, theo dõi sát sao cây đào. Tuy nhiên, theo ông Tam thì do thời tiết năm nay ấm hơn (thời điểm tuốt lá) và nhuận thêm một tháng nên vườn đào của gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác đã bung nở hoa sớm hơn năm ngoái.
“So với thời điểm này năm ngoái, thì năm nay nhiều gốc đào của gia đình đã bung nở sớm hơn 10 ngày làm giảm nguồn thu nhập của gia đình. Năm ngoái, trung bình mỗi cành đào phai bán dịp Tết có giá từ 200.000- 300.000 đồng, nếu những gốc đào đẹp sẽ có giá từ 1-3 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay thì những gốc đào đẹp và nở hoa đúng dịp Tết là rất ít, do đó thu nhập từ bán đào tết năm nay của gia đình tôi giảm đi một nửa,” ông Nguyễn Văn Tam chia sẻ.
[Đồng Tháp: Cúc mâm xôi nở sớm, người trồng hoa thất thu]
Không chỉ có gia đình ông Nguyễn Văn Tam mà nhiều diện tích đào của các gia đình khác tại xóm 8 và xóm 9, xã Nam Anh cũng đã nở rộ hoa khiến người dân rất lo lắng. Theo nhiều hộ trồng đào tại xã Nam Anh, do đào nở sớm nên dù nhiều cành đào có thế rất đẹp nhưng khách cũng không mấy mặn mà hoặc phải bán với giá thấp hơn các năm trước rất nhiều.
Ông Bùi Văn Hiếu, xóm 9 xã Nam Anh, một người trồng đào lâu năm cho biết, theo kinh nghiệm trồng đào phai lâu năm, ưu điểm của loại đào phai xã Nam Anh là dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh, không phải cầu kỳ trong việc uốn thế từng cành; cây đào phai lại phù hợp với thổ nhưỡng những vùng đất đồi bán sơn địa. Tuy nhiên, ngoài việc căn thời gian để bón phân, tuốt lá và ươm cây thì vấn đề thời tiết cũng quyết định lớn đến việc đào nở sớm hay muộn.
Nam Anh là xã bán sơn địa, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào cây trồng hoa màu, nhưng với lợi thế vùng đất đồi ở hai xóm 8 và 9 nằm sát dưới chân núi Đại Tuệ, thổ nhưỡng hợp với cây đào phai nên nhiều hộ dân đã trồng đào cung ứng cho dịp Tết từ nhiều năm nay. Cây đào ở xã Nam Anh chủ yếu là giống đào phai tự nhiên, hoa có 5 cánh, màu phớt hồng, bắt mắt nên được nhiều người ưa chuộng.
Tuy nhiên, với việc đào phai xã Nam Anh nở sớm trước dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của người trồng đào mà còn khiến các thương lái từ thành phố Vinh và các vùng phụ cận cũng như những người chuộng chơi đào buồn lòng.
Ông Nguyễn Thúc Quang, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nam Anh, huyện Nam Đàn cho hay, hiện nay, toàn xã Nam Anh có khoảng gần 200 hộ trồng đào phai tập trung ở xóm 8 và xóm 9 với diện tích gần 50ha, đây được xem là một vùng cung cấp đào phai lớn cho thị trường dịp Tết Nguyên đán ở Nghệ An.
Hiện, 80-90% số đào ở các vườn trồng xã Nam Anh đã nở rộ, khiến thu nhập kinh tế của nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng đáng kể. Dù đây không phải là cây trồng chính nhưng hiệu quả kinh tế từ cây đào phai mang lại cho người dân xã Nam Anh là rất lớn, nếu đào nở đúng dịp Tết nhiều hộ thu nhập từ 40-60 triệu đồng/vườn/năm.
Thời gian tới, chính quyền xã Nam Anh sẽ vẫn tiếp tục chỉ đạo các hộ dân mở rộng diện tích cây đào phai để phục vụ nhu cầu của người chơi đào trong dịp tết, đồng thời tích cực triển khai việc quảng bá, xây dựng thương hiệu đào phai Nam Anh để góp phần tăng thêm thu nhập kinh tế cho người dân địa phương.
Không chỉ riêng vùng trồng đào ở xã Nam Anh mà người dân trồng đào ở các xã có diện tích lớn của tỉnh Nghệ An như Nam Kim (huyện Nam Đàn), Kim Thành (huyện Yên Thành), Nghi Ân (thành phố Vinh) cũng gặp chung tình cảnh đào nở sớm khiến thu nhập của người dân trồng đào giảm từ 30-50% so với năm trước./.