Nông dân trẻ làm vườn từ xa bằng... điện thoại thông minh

Để chăm sóc khu vườn rộng hàng ngàn mét vuông của gia đình mình, giờ đây Nguyễn Quốc Huy có thể ngồi cách xa hàng trăm km điều khiển hệ thống thiết bị tưới nước hiện đại tự động.
Nông dân trẻ làm vườn từ xa bằng... điện thoại thông minh ảnh 1Chỉ cần dùng điện thoại di động, là có thể điều khiển hệ thống thiết bị tự động tưới nước cho khu vườn này theo chương trình đặt trước. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Để chăm sóc khu vườn rộng hàng ngàn mét vuông của gia đình mình, giờ đây chàng nông dân trẻ Nguyễn Quốc Huy (22 tuổi, trú tại thôn Đa Lộc, xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) có thể ngồi cách xa hàng trăm km điều khiển hệ thống thiết bị tưới nước hiện đại tự động, thông qua chiếc điện thoại thông minh.

Có mặt tại khu vườn trồng cà rốt rộng chừng 3.000m2 của gia đình Nguyễn Quốc Huy, chúng tôi tận mắt chứng kiến cả khu vườn được tưới nước tự động thông qua một chiếc điện thoại di động được Huy điều khiển khi đang ngồi tại nhà.

Hệ thống bơm nước với các van điện từ đóng mở nhịp nhàng theo một chương trình đặt trước sẽ lần lượt dẫn nước tới các bép phun nước dựng đều trên các luống rau, tưới đủ nước lần lượt cho từng khu vực.

Tủ điều khiển dày đặc thiết bị, với các khởi động từ, rơle thời gian, thiết bị cảm biến, bộ điều khiển trung tâm tiếp nhận tín hiệu điện thoại với các thẻ sim điện thoại được mã hóa… cho thấy người thiết kế đã phải dồn rất nhiều tâm huyết và có trình độ chuyên môn cao về cơ khí tự động.

Nguyễn Quốc Huy cho biết, từ nhỏ anh đã đam mê kỹ thuật. Học hết lớp 9, mới 16 tuổi anh đã đi học ở Trường Trung cấp Kỹ thuật điện lạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Khi học môn khí cụ điện, Huy nhận thấy hệ thống điều khiển của thiết bị máy lạnh có thể ứng dụng vào quá trình tự động hóa làm vườn của gia đình mình nên bắt đầu tìm cách nghiên cứu.

Những ngày còn ở nhà, anh đã từng phải vất vả, nhiều hôm cùng bố mẹ thức tới 9-10 giờ đêm để kéo dây, chạy máy bơm tưới đủ nước cho khu vườn của gia đình. Máy bơm lại bị cháy liên tục do hết nước, điện yếu, tụt đường ống…

Trở về nhà, Huy trình bày nguyện vọng của mình với bố mẹ là sẽ thiết kế một hệ thống tưới nước điều khiển bằng điện thoại.

Thuyết phục mãi, bố mẹ Huy mới đồng ý đầu tư gần 30 triệu đồng để Huy mua thiết bị. Qua nhiều lần thất bại, cuối cùng hệ thống thiết bị do Huy thiết kế đã thành công.

[TP.HCM: Biến bãi rác ô nhiễm thành vườn cây công nghệ cao]

Chỉ bằng những tin nhắn từ điện thoại dù ở cách xa cả ngàn km, hệ thống thiết bị của Huy sẽ tự động vận hành, làm những công việc như hút nước từ giếng lên bể chứa; dẫn nước tới các bếp phun đã chôn sẵn trên các luống cây trồng lần lượt từng khu vực; tưới theo thời gian đã cài đặt từ hệ thống cho từng khu vực, tùy thuộc vào từng loại cây trồng…

Đặc biệt, khi gặp các sự cố như phin lọc bẩn, hết nước, động cơ quá tải, vỡ đường ống… thiết bị sẽ gửi tin nhắn về điện thoại và tự động dừng hoạt động.

Hệ thống tưới nước thông minh qua điện thoại do Nguyễn Quốc Huy chế tạo đã từng tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ 8 (2016- 2017) và đoạt giải Ba.

Thiết bị trị giá gần 30 triệu đồng này sẽ giúp tiết kiệm chi phí nhân công khoảng 150.000 đồng mỗi ngày để chăm sóc, tưới nước cho 8.000m2 đất vườn.

Tính ra chỉ chưa tới 1 năm, chi phí nhân công sẽ bù đủ tiền chi phí lắp đặt thiết bị tự động. Ngoài ra hệ thống bảo vệ của thiết bị sẽ giúp hạn chế đáng kể tình trạng cháy môtơ máy bơm thường xuyên xảy ra trước đây.

Nguyễn Quốc Huy đang nung nấu ý tưởng thiết kế một chiếc máy đa năng, có thể phun thuốc trừ sâu tự động, vừa có thể làm các công việc như rẫy cỏ, đào hố trồng càphê, băm lá càphê sau khi thu hái…

Huy cũng có dự định sẽ sản xuất hệ thống thiết bị tưới nước thông minh qua điện thoại và sẽ cung cấp cho các chủ nhà vườn có nhu cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thebrighterside)

Phát triển công nghệ chẩn đoán sớm bệnh Parkinson

Các nhà khoa học Israel đã sử dụng kính hiển vi siêu phân giải và phân tích tính toán để lập bản đồ chính xác các tập hợp protein, một chỉ số chính của bệnh Parkinson, trong các sinh thiết da.

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thiết kế chiếc chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo, cho phép máy móc di chuyển giống con người hơn, có thể nhảy nhanh nhẹn trên nhiều bề mặt.