Trong số 100 Nông dân xuất sắc Việt Nam năm 2023, ông Phạm Văn Lơ, tên thân mật Út Lơ, ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, là một trong số đó.
Ông Phạm Văn Lơ được biết đến là người ham học hỏi, cầu thị và thành công với cây nhãn Ido nghịch vụ ở xứ Phong Điền. Ngoài ra, ông Út Lơ còn là Giám đốc Hợp tác xã luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, không che giấu "bí kíp" thành công cho riêng mình.
Lợi nhuận 450 triệu đồng/ha/năm
Huyện Phong Điền nổi tiếng là xứ trái cây của vùng đất Tây Đô. Còn Nhơn Nghĩa là xã gắn liền với hình ảnh cây nhãn. Mùa này, về Nhơn Nghĩa là mùa nhãn. Vườn nào cũng trĩu quả, có vườn đang thu hoạch.
Tuy nhiên, ghé vườn nhà nông dân Phạm Văn Lơ, cây mới đậu quả, có cây đang ra hoa. Chủ nhân khu vườn 1ha trồng nhãn Ido - ông Út Lơ bảo đây là vườn nhãn Ido nghịch vụ, tầm tháng Hai đến tháng Ba năm sau mới có quả bán ra thị trường.
Hiện nhãn đang chính vụ nên giá mỗi ký nhãn Ido tại các vườn đang bán dao động khoảng 10.000-15.000 đồng/kg. Nhưng ông Phạm Văn Lơ cho biết giá nhãn nghịch vụ đầu cao gấp đôi. Đó là lý do vì sao gần 10 năm trồng nhãn Ido, hơn 6 năm ông Lơ xử lý nhãn Ido nghịch vụ.
Ông Út Lơ kể trước khi trồng nhãn Idol, ông từng gắn bó với nhãn tiêu da bò. Đặc biệt, giai đoạn từ năm 1997-2011, nhãn tiêu da bò đã tạo nên thời kỳ rực rỡ, ăn nên làm ra đối với không chỉ ông Lơ mà còn nhiều nông dân khác ở địa phương.
Những tưởng cây nhãn tiêu da bò sẽ gắn bó với nông dân vùng đất này. Thế nhưng, bệnh chổi rồng xuất hiện đã đưa cây nhãn Ido soán ngôi vị trí trong vườn ông Lơ.
Một lần được đi tham quan mô hình trồng nhãn Ido tại Vĩnh Long, ông Lơ thấy cây nhãn Ido không bị bệnh chổi rồng, năng suất cao, giá thành cao hơn nhãn tiêu da bò. Từ đó, khi về địa phương ông mạnh dạn đầu tư kinh phí cải tạo vườn trồng nhãn Ido.
[Tiềm năng xuất khẩu vải và nhãn vào thị trường Singapore]
Từ năm 2014 đến nay, cây nhãn Idol đã đồng hành, đem lại nguồn lợi kinh tế chính cho gia đình nông dân Phạm Văn Lơ. Sau gần 10 năm trồng nhãn Ido, ông Lơ nhận thấy đây là sự lựa chọn đúng. Bởi lẽ, đây là loại cây kháng bệnh chổi rồng, ít bị sâu bệnh lại cho năng suất cao gấp đôi nhãn tiêu da bò.
Thế nhưng nhãn Ido cũng rơi vào vòng lẩn quẩn "được mùa, mất giá" như các loại trái cây khác. Theo ông Phạm Văn Lơ, trồng nhãn Ido sẽ không bị lỗ nhưng nếu vào vụ thuận, giá bán có thời điểm khoảng 11.000-12.000 đồng/kg, mức lợi nhuận không nhiều. Tuy nhiên, nhãn Ido sẽ có giá từ 25.000-30.000 đồng/kg, thậm chí có lúc trên 30.000 đồng/kg nếu nông dân biết xử lý trồng nghịch vụ.
"Nhãn Ido ở Nhơn Nghĩa hiện đang vào vụ. Nếu so với giá bán nhãn Ido vào thời điểm nghịch vụ (khoảng 30.000 đồng trở lên), nông dân "mất" khoảng 10.000-20.000 đồng/kg. Như vậy, nếu vườn nhãn 1ha, năng suất khoảng 20 tấn cho trái chính vụ, người trồng nhãn "mất" khoảng 300 triệu đồng. Đó là con số không hề nhỏ với người nông dân," ông Phạm Văn Lơ nhẩm tính.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm gắn bó với cây nhãn, cùng với những thất bại đã trải qua trong những năm trồng nhãn da bò, ông Phạm Văn Lơ không cho nhãn ra trái chính vụ (từ tháng 9-12 hàng năm) mà tập trung xử lý nhãn ra trái nghịch vụ (từ tháng 2-5 hàng năm) để tránh "dội chợ," "được mùa, mất giá" mà giá bán lại cao, ít có sự cạnh tranh.
Nhờ đó, với 1ha nhãn Ido cho năng suất bình quân 20 tấn/vụ/ha, mỗi năm từ vườn nhãn Ido, ông Phạm Văn Lơ lãi khoảng từ 250-450 triệu đồng.
Không giữ nghề cho riêng mình
Vườn nhãn Ido đã được ông Lơ xử lý nghịch vụ hơn 6 năm. Để vườn nhãn thành công kết trái nghịch vụ qua bao mùa nhãn là nhờ ông Lơ ham học hỏi, tham quan các mô hình, tham gia các buổi tập huấn cách trồng nhãn Ido và đúc kết từ kinh nghiệm thực tế những năm trồng nhãn tiêu da bò.
"Từ những bài học, tôi rút ra kỹ thuật áp dụng thí điểm diện tích nhỏ vườn nhãn Ido của chính mình. Kết quả thành công thì mới áp dụng cho toàn vườn và hướng dẫn cho các xã viên khác," ông Phạm Văn Lơ chia sẻ.
Xử lý đúng kỹ thuật, nhãn Ido nghịch vụ vẫn cho trái như thời điểm chính vụ. Tuy nhiên, theo ông Lơ, người trồng phải nắm vững yếu tố kỹ thuật, xử lý mới thành công. Bởi lẽ xử lý nghịch vụ thường rơi vào mùa mưa (tháng 9). Vì vậy, nếu vườn không có đê bao khép kín, nước ngập, xử lý nghịch vụ xem như thất bại. Hay lúc ra hoa, gặp mưa bão thường xuyên, hoa không thụ phấn được, trái non bị rụng sẽ dẫn đến năng suất giảm.
"Xã viên hoặc nông dân ở địa phương muốn áp dụng xử lý nghịch vụ cần giúp đỡ, ông Phạm Văn Lơ, Giám đốc Hợp tác xã nhãn Ido Nhơn Nghĩa, đều sẵn sàng hỗ trợ để họ cũng thành công như mình. Hiện có khoảng 20-30% thành viên hợp tác xã xử lý nhãn Ido ra hoa nghịch vụ," ông Huỳnh Thanh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Nghĩa cho biết.
Nếu trước đây, ông Phạm Văn Lơ chỉ biết canh tác vườn nhãn bằng phân, thuốc hóa học, đến năm 2018, ông chuyển dần sang trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ năm 2022 đến nay, ông Phạm Văn Lơ hướng đến canh tác hữu cơ, giảm 50% lượng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Thay vào đó, ông Lơ tăng lượng phân và thuốc trừ sâu sinh học. Từ đó, sẽ cho ra trái nhãn đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu.
Hiện, Hợp tác xã nhãn Ido Nhơn Nghĩa đã gửi hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng với mong muốn nhãn Ido của hợp tác xã hợp tác được với doanh nghiệp đưa nhãn Ido xuất khẩu chính ngạch, tăng thu nhập và tạo đầu ra ổn định cho xã viên.
Theo ông Phạm Văn Lơ, thành công khi áp dụng trồng nhãn theo hướng hữu cơ là đưa ra sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không vượt mức cho phép; giảm ô nhiễm môi trường; bảo vệ sức khỏe người lao động.
Mặc dù, hiện giá nhãn theo hướng hữu cơ bán ra thị trường không cao hơn nhãn canh tác truyền thống nhưng ông Phạm Văn Lơ vẫn không nản.
"Về lâu dài trái nhãn Ido muốn xuất khẩu được thì cũng phải có mã số vùng trồng. Nếu vẫn áp dụng lối canh tác cũ thì trái nhãn Ido sẽ vẫn lẩn quẩn "được mùa, mất giá," đầu ra bấp bênh," ông Phạm Văn Lơ chia sẻ.
Nhưng muốn các xã viên làm theo, bản thân phải làm trước. Nói là làm, hai năm qua, ông Phạm Văn Lơ áp dụng trồng nhãn theo hướng hữu cơ và đều thành công trúng mùa. Từ thực tế chứng minh, Giám đốc Hợp tác xã nhãn Ido Nhơn Nghĩa mời bà con đến chứng kiến kết quả vườn nhãn. Ai muốn làm theo, ông Phạm Văn Lơ sẵn sàng hướng dẫn.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Nghĩa Huỳnh Thanh Hiếu cho biết ngoài trồng nhãn, ông Lơ còn sở hữu vựa trái cây tại địa phương, thu gom quả tắc (quất) để bán cho công ty ép nước. Trung bình, mỗi năm vựa trái cây giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương và đem lại nguồn thu cho gia đình ông Phạm Văn Lơ khoảng 1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ông Út Lơ còn đóng góp kinh phí cho các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương, xây cầu đường... Ông Phạm Văn Lơ xứng đáng được Trung ương Hội Nông dân vinh danh Nông dân xuất sắc Việt Nam năm 2023./.