Nông nghiệp Mỹ thiệt hại nặng do tranh chấp thương mại Mỹ-Trung

Theo Trade Partnership Worldwide, LLC, người nông dân Mỹ sẽ mất 15% tổng thu nhập từ nông trại và khoảng 181.000 người mất việc làm do tranh chấp thương mại Mỹ-Trung.
Nông nghiệp Mỹ thiệt hại nặng do tranh chấp thương mại Mỹ-Trung ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: ars.usda.gov)

Kinh tế Mỹ nói chung và ngành nông nghiệp của nước này nói riêng sẽ phải gánh chịu tổn thất nghiêm trọng do tranh chấp thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. Nội dung này đã được đề cập trong một nghiên cứu của Trade Partnerships Worldwide, LLC - một công ty tư vấn về kinh tế và thương mại quốc tế.

Báo nông nghiệp Capital Press số ra ngày 3/5 dẫn nghiên cứu trên cho biết nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể xoa dịu căng thẳng thương mại leo thang với Trung Quốc trong "cuộc chiến" thuế quan, Mỹ sẽ để mất gần 455.000 việc làm và khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm giảm 49,2 tỷ USD trong hai năm tới đây.

Nông nghiệp được cho là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất. Theo Trade Partnership Worldwide, LLC, người nông dân Mỹ sẽ mất 15% tổng thu nhập từ nông trại và khoảng 181.000 người mất việc làm.

[Bộ Thương mại Mỹ khẳng định Trung Quốc trợ giá nhôm xuất khẩu]

Đầu tháng 4, ông chủ Nhà Trắng đe dọa áp mức thuế 25% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 150 tỷ USD với lý do nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại giữa hai nước. Trung Quốc ngay lập tức phản ứng khi quyết định áp mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Theo các chuyên gia phân tích, ngay cả khi Trung Quốc không có hành động đáp trả, riêng việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD sẽ khiến Washington để mất 76.000 việc làm và khiến GDP tổn thất 1,6 tỷ USD.

Giám đốc điều hành Hiệp hội công nghệ khách hàng, Gary Shapiro nhận định mọi chi phí gia tăng đổ lên đầu người nông dân, nhà máy sản xuất và các nhà cung cấp dịch vụ cho thấy "chủ nghĩa bảo hộ sẽ làm suy yếu nước Mỹ."

Thông tin trên được công bố trong bối cảnh một cuộc tham vấn thương mại giữa phái đoàn thương mại Mỹ và phái đoàn Trung Quốc đang diễn ra tại Bắc Kinh. Theo đánh giá của của Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin - người dẫn đầu phái đoàn Mỹ, hai bên "có một cuộc đối thoại rất tốt."

Dự kiến, ngày 4/5, phía Mỹ sẽ đề cập đến một loạt vấn đề về thương mại của Trung Quốc, từ những cáo buộc liên quan chuyển giao công nghệ đến trợ giá của chính phủ đối với việc phát triển công nghệ.

China Daily, tờ báo tiếng Anh lớn nhất của Trung Quốc ra ngày 4/5 nhận định Trung Quốc và Mỹ chỉ có thể đạt được một thỏa thuận nếu hai bên thể hiện mong muốn thực tế nhượng bộ lẫn nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.