Nông nghiệp Nga lao đao vì “cấm cửa” thực phẩm phương Tây

Những động thái can thiệp của chính phủ nhằm khuyến khích người nông dân đẩy mạnh sản xuất đến nay mới chỉ dừng lại ở những lời hứa hẹn.
Nông nghiệp Nga lao đao vì “cấm cửa” thực phẩm phương Tây ảnh 1Người dân Nga mua sắm thực phẩm tại siêu thị. Ảnh minh họa. (Nguồn: themoscowtimes.com)

Đã một năm trôi qua kể từ khi Nga chính thức ban lệnh cấm gần như toàn bộ các loại nông sản, thực phẩm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Australia, Canada và Na Uy để trả đũa các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang áp đặt lên nước này - việc mở ra cơ hội phát triển cho ngành nông nghiệp đang giảm sút của “xứ sở Bạch dương."

Tuy nhiên cho đến nay, động thái này của Moskva vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi.

Theo các chuyên gia phân tích, những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế, đi kèm với đó là giá thực phẩm leo thang và đồng ruble mất giá, cùng sự lơ là trong các chính sách phát triển nông nghiệp của chính quyền là những nguyên nhân chính khiến nông dân Nga chưa thể tận dụng được “vận may” này.

Những động thái can thiệp của chính phủ nhằm khuyến khích người nông dân đẩy mạnh sản xuất đến nay mới chỉ dừng lại ở những lời hứa hẹn. Cụ thể, nhà chức trách Nga đã cam kết sẽ cung cấp cho người nông dân 3,8 tỷ USD (3,5 tỷ euro) để tăng cường sản xuất các sản phẩm thế chỗ cho những mặt hàng bị cấm vận, bao gồm những sản phẩm cao cấp như pho mát hay thịt nguội Tây Ban Nha và táo Ba Lan. Song cho đến nay, có những người nông dân vẫn chưa nhận được số tiền mà chính phủ đã hứa sẽ trợ cấp cho họ từ hồi tháng Ba.

Đối với các sản phẩm bơ sữa, trong khi các nhà sản xuất pho mát đang cố gắng đẩy mạnh sản xuất phục vụ tiêu dùng thì họ lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung sữa khi nguồn cung nội địa không đủ để bù đắp 65% lượng sữa giảm do lệnh cấm nhập khẩu. Tương tự, sản lượng thịt tại Nga cũng đã tăng 18% trong hai tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng con số này vẫn là quá ít ỏi so với mức giảm 62% sản lượng thịt bị cấm nhập khẩu. Ngoài ra, đồng rúp suy yếu cũng làm tăng chi phí đầu vào như thức ăn chăn nuôi và phân bón, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, thiếu thốn và khó khăn là vậy nhưng Moskva vẫn tỏ ra rất cứng rắn với chính sách của mình. Mới đây, để đánh dấu mốc một năm kể từ ngày áp đặt các lệnh cấm vận đối với phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban lệnh tiêu hủy số thực phẩm trong danh sách cấm vận được vận chuyển phi pháp vào nước này, trong một động thái nhằm nhấn mạnh hơn nữa quyết tâm của Điện Kremlin trong việc bài hàng hóa phương Tây.

Theo hãng tin Nga TASS, tại Moskva, Cơ quan Giám sát nông nghiệp Nga đã chuyển 28 tấn táo và cà chua của Ba Lan đi tiêu hủy. Các mặt hàng này được vận chuyển qua Kazakhstan để đưa vào Nga.

Tại thành phố Belgorod, 10 tấn pho mát nhập khẩu trái phép cũng được tiêu hủy. Hoạt động tương tự cũng diễn ra tại nhiều tỉnh thành và khu vực của Nga như Saint Petersburg, Smolensk, Saratov, Altai, Briansk... Riêng tại Saint Petersburg, Cơ quan Giám sát nông nghiệp Nga dự kiến tiêu hủy 17 container chứa thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt nhập lậu vào Nga và đã cập cảng thành phố này.

Trước đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Alexander Tkachyov đã đưa ra một dự đoán đầy tham vọng là các sản phẩm nông nghiệp Nga sẽ có thể thay thế tất cả các loại thực phẩm ngoại được bày bán trong siêu thị trong vòng một thập niên tới.

Tuy vậy, điều này có vẻ vẫn còn rất xa vời trong bối cảnh người nông dân Nga vẫn phải đối mặt với những khó khăn mang tính lâu dài như thiếu cơ hội tiếp cận nguồn vốn, cơ sở hạ tầng kém phát triển, thiết bị lạc hậu và không có một chính sách công nghệ toàn diện. Đồng thời, việc không biết các lệnh cấm sẽ kéo dài trong bao lâu cũng là nguyên nhân khiến nông dân Nga không mấy mặn mà với những phương án đầu tư mang tính lâu dài như sản xuất thịt bò và sữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.