Nông nghiệp Việt: Cần lấy chất lượng và giá trị gia tăng làm cốt lõi

Người nông dân hiện nay vẫn còn 3 cái thiếu và cần quan trọng nhất đó là về vốn; kiến thức về khoa học công nghệ, về tổ chức sản xuất và thứ ba là thị trường.
Nông nghiệp Việt: Cần lấy chất lượng và giá trị gia tăng làm cốt lõi ảnh 1Nông dân buồn rầu vì đồng ruộng khô cháy do hạn hán. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Người nông dân hiện nay vẫn còn 3 cái thiếu, đó là thiếu vốn; thiếu kiến thức về khoa học công nghệ, về tổ chức sản xuất và thứ ba là thiếu thị trường. Thực sự nếu thiếu doanh nghiệp thì nông dân rất khó có thể phát triển. Đặc biệt đối với vấn đề thị trường, một mình nông dân không thể vươn ra ngoài thị trường được.”

Đó là ý kiến nhận định của ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn tại Tọa đàm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Cuộc tọa đàm nằm trong chuỗi sự kiện của Diễn đàn phát triển kinh tế nông thôn giai đoạn 2016-2020, tuyên dương "Sản phẩm chất lượng cho vụ mùa bội thu" và “Doanh nghiệp phát triển đồng hành cùng phong trào xây dựng nông thôn mới,” do Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức chiều nay (16/12), tại Hà Nội.

Với vai trò là khách mời của cuộc Tọa đàm ông Tam cũng cho rằng, con đường phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam không còn cách nào khác là phải liên kết và hợp tác giữa 4 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước và nhà khoa học). Bên cạnh đó, các đơn vị cần phải đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đây là đầu tư cốt lõi.

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, vốn hạn hẹp đến nay Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ba Huân cũng đã đạt được những thành công trên thị trường trứng gia cầm tại Việt Nam. Hiện sản phẩm của đơn vị này được công nhận là sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nông nghiệp Việt: Cần lấy chất lượng và giá trị gia tăng làm cốt lõi ảnh 2Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ba Huân cho rằng doanh nghiệp cần đầu tư và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Chia sẻ về con đường lập nghiệp của mình bà Huân cũng cho rằng, phát triển nông nghiệp luôn đối mặt với nhiều rủi ro và khó khăn, tuy nhiên doanh nghiệp cần mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ để từ đó tạo sản phẩm chất lượng và nâng cao giá thành sản phẩm cho thu nhập cao.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng nhận định, nông nghiệp Việt Nam đã phát triển với nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh, thế nhưng sản phẩm nông sản của Việt Nam có thương hiệu trên thị trường quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo Chủ tịch Hồ Xuân Hùng, phần lớn nông sản trong nước được xuất khẩu ở dạng thô, sau khi nhập về, các doanh nghiệp nước ngoài chế biến và sử dụng tên, thương hiệu của họ. Điều này làm giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông sản giảm đáng kể, gây thiệt hại cho nền kinh tế.

“Do đó để nâng cao giá trị xuất cần phải quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm cho các mặt hàng nông sản. Đồng thời doanh nghiệp cần phải đóng vai trò đầu tàu trong chuỗi kết nối. Đẩy mạnh ứng dụng công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào nông nghiệp đồng thời xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, lấy chất lượng và giá trị gia tăng làm cốt lõi là việc làm rất cần thiết với ngành nông nghiệp hiện nay."

"Có như vậy, nông sản Việt Nam mới có chỗ đứng vững chắc trên thế giới và có nhiều sản phẩm cao cấp, hiện diện trong những hệ thống siêu thị ở những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…” Chủ tịch Hồ Xuân Hùng nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.