Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, để tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại thì phải đưa doanh nghiệp giữ vai trò là hạt nhân, làm nền tảng cho tất cả liên kết để thực hiện được nền sản xuất hàng hóa tập trung.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp không mấy mặn mà với đầu tư nông nghiệp. Số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn yếu và thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng đầu tư.
“Chưa đến 1% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp”
Tại cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Thu hút đầu tư nông nghiệp bằng Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn” do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 16/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, đến nay, cả nước có khoảng 3.643 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên tổng số gần nửa triệu doanh nghiệp đầu tư vào ba khu vực nền kinh tế.
Theo đánh giá của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện còn ít, chưa đến 1% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước. Trong số đó 90% số doanh nghiệp đầu tư là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm khoảng 3,7% và doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,32%. Số doanh nghiệp lớn mang tính "đầu tàu" còn ít.
Lý giải trước thực tế này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, một trong những nút thắt hạn chế các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là vấn đề tích tụ đất đai để có vùng sản xuất lớn. Bởi tất cả doanh nghiệp đầu tư muốn sản xuất phải có đất.
“Để giải quyết vấn đề này cho doanh nghiệp, nhiều tỉnh đã sáng tạo cách làm. Ví dụ tại tỉnh Hà Nam, trên cơ sở giao quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân, những nơi nông dân cảm thấy làm hiệu quả thấp thì dồn vào một tổ chức làm tốt hơn, sau đó tỉnh sẽ đại diện giao lại đất cho doanh nghiệp. Quyền sử dụng đất vẫn của nông dân, chỉ chuyển quyền sử dụng trong giới hạn thời gian nhất định,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phân tích.
Bộ trưởng cũng chỉ rõ thêm, tại tỉnh Nam Định, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn tiếp nhận quyền sử dụng đất qua việc chuyển nhượng của người dân. Tuy nhiên, vấn đề này bị giới hạn bởi hạn điền. Hiện nay, quy định hạn điền cho phép doanh nghiệp tiếp nhận chuyển nhượng chỉ giới hạn 20-50ha. Tuy nhiên, doanh nghiệp tổ chức làm tốt vẫn tích tụ được diện tích nhất định.
Bộ trưởng cũng đánh giá cao việc hình thành các hợp tác xã. Nhiều nông dân tập trung vào cùng nguyện vọng, thống nhất mục tiêu sản xuất, liên kết chặt với doanh nghiệp để doanh nghiệp làm mũi nào tốt nhất, còn hợp tác xã làm phân khúc hợp lý và giá thành thấp.
“Do đó, hai vấn đề nổi cộm được tập trung tháo gỡ thời gian tới là tích tụ đất để doanh nghiệp có điều kiện sản xuất; tập trung nhóm giải pháp để phát triển kinh tế tập thể, chủ thể là hợp tác xã,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Tín hiệu tốt
Vị "Tư lệnh" ngành nông nghiệp cũng bày tỏ niềm vui với tín hiệu tốt là hiện nay đã có những doanh nghiệp lớn, quan tâm đầu tư vào nông nghiệp. Đây sẽ là “cú hích” quan trọng để hình thành các liên kết trong tổ chức sản xuất nông nghiệp.
Tiến sỹ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, nông nghiệp Việt Nam buộc phải phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị gia tăng cao và bền vững.
“Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển chuỗi giá trị, gắn nông dân và hợp tác xã với thị trường, áp dụng công nghệ phù hợp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn cả về kinh tế, xã hội và môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh,” Viện trưởng Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói.
Cụ thể, gần đây một số doanh nghiệp lớn đã nghiên cứu và quyết định đầu tư vào nông nghiệp. Đơn cử như tập đoàn Vingroup đã lập Vineco với số vốn 2.000 tỷ đồng với chiến lược 2 năm phấn đấu hoàn thành khoảng 300 nhà kính phát triển tập trung sản xuất rau sạch; tập trung phát triển chuỗi mặt bằng phân phối nông sản ở các vùng miền.
Trong chuỗi sản phẩm về thịt lợn, gà, Công ty Dabaco ở Bắc Ninh áp dụng công nghệ cao, một năm sản xuất tới 45 triệu con giống, mỗi ngày 1 triệu trứng thương phẩm, 8 siêu thị phân phối sản phẩm sạch…
"Nhiều doanh nghiệp đã nhìn thấy tiềm năng, khả năng có thể sinh lời trong nông nghiệp. Đây là tín hiệu rất đáng mừng," Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phấn khởi nói.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ những khó khăn trong vấn đề chính sách và vốn đầu tư để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cam kết, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ làm việc với ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại để tập trung vào các gói tái cơ cấu ngành hàng, cấp tỉnh, địa phương…phối hợp tập trung sâu hơn vào tái cơ cấu theo hướng này. /.