Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ yếu các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam, chiếm khoảng 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy vậy, từ năm 2018 đến nay, xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường Trung Quốc liên tục sụt giảm.
[Vải thiều xuất khẩu sang Nhật: Mở đường cho các loại trái cây khác]
Thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, sau khi giảm 5,5% trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản trong 11 tháng năm 2019 sang Trung Quốc tiếp tục giảm 5,86% so với cùng kỳ, chỉ đạt đạt 6,31 tỷ USD.
Trong đó, ngoài 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng gồm: cao su tăng 9,77%; thủy sản tăng 19,75%; hạt điều tăng 32,55% và chè tăng 24,89% thì có 4 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm, trong đó gạo giảm tới 66,37%; rau quả giảm 14,02%; càphê giảm 8,94% và sắn, sản phẩm từ sắn giảm 1,05%.
Giải thích việc này, theo đại diện Bộ Công Thương, sau khi hệ thống các cơ quan kiểm nghiệm-kiểm dịch được sáp nhập vào Tổng cục Hải quan Trung Quốc, phía bạn đã triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm thực thi nghiêm túc và đầy đủ các quy định đã ban hành từ lâu về kiểm nghiệm-kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác... Đây là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị chững lại và giảm trong 2 năm trở lại đây sau nhiều năm tăng trưởng khá.
Tuy vậy, về khách quan, theo đại diện Bộ Công Thương, các quy định của Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc, bao bì, tem nhãn hàng hóa... đối với nông sản, thủy sản nhập khẩu đều là những yêu cầu cơ bản và được phép áp dụng theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đều đã và đang áp dụng các biện pháp tương tự để kiểm soát chất lượng nông thủy sản nhập khẩu, qua đó bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
- Xuất khẩu một số mặt hàng nông sản sang Trung Quốc 11 tháng năm 2019:
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, việc Trung Quốc thực thi đầy đủ và nghiêm túc các quy định này trước mắt có thể ảnh hưởng tới một số nông thủy sản của Việt Nam hiện đang được xuất khẩu theo hình thức "trao đổi cư dân biên giới." Song, về lâu dài, việc này sẽ góp phần tạo động lực để các địa phương và người nông dân Việt Nam tổ chức lại sản xuất theo hướng coi trọng tối đa các quyền cơ bản của người tiêu dùng, trong đó có quyền được an toàn và quyền được thông tin đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa.
Để xuất khẩu bền vững, liên bộ công thương-nông nghiệp đã kêu gọi các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu chủ động nắm bắt thông tin về yêu cầu của thị trường, từ đó hướng dẫn người nông dân tổ chức sản xuất theo đúng yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm.
Bên cạnh đó, liên bộ cũng đề nghị các nhà sản xuất và người dân cần chuyển nhanh, chuyển mạnh từ xuất khẩu theo hình thức "trao đổi cư dân" sang xuất khẩu chính ngạch theo thông lệ quốc tế qua các cửa khẩu chính thức.
Với chính quyền địa phương cần chủ động hơn trong việc nắm bắt và tổ chức phổ biến các thông tin, khuyến cáo của các Bộ, ngành Trung ương về nhu cầu, diễn biến thị trường, các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng đối với nông thủy sản của nước nhập khẩu tới các hộ nông dân tại địa bàn.
“Bộ Công Thương sẽ cùng hệ thống các cơ quan Thương vụ, chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục phối hợp cùng các Bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác mở cửa thị trường, cung cấp thông tin và tháo gỡ khó khăn, rào cản cho nông thủy sản xuất khẩu ra thị trường thế giới nói chung và thị trường Trung Quốc nói riêng,” đại diện Bộ Công Thương cho hay./.