“Nóng” vấn đề quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp

Ngày 28/5, đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
“Nóng” vấn đề quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp ảnh 1 Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Bạch Thị Hương Thủy phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 28/5, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Trước khi thảo luận, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Thảo luận xung quanh các nội dung được nêu trong báo cáo, các đại biểu đánh giá cao và cơ bản nhất trí với báo cáo của Đoàn giám sát, cho rằng báo cáo đã đánh giá đầy đủ, toàn diện về tình hình quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước giai đoạn 2011-2016, những mặt tích cực, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đồng thời tranh luận sôi nổi, kiến nghị những giải pháp để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy việc cơ cấu lại, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong thời gian tới.

Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao những cố gắng của Đoàn giám sát, sự phối hợp tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình giám sát của Quốc hội.

[Các Tư lệnh ngành giải trình về quản lý vốn, tài sản nhà nước]

Một trong những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm thảo luận trong phiên họp sáng 28/5 là việc định giá tài sản doanh nghiệp.

Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) chỉ ra việc xác định giá đất cụ thể tại một số địa phương còn lúng túng, bộ máy và cơ sở vật chất bảo đảm cho việc xác định giá đất chưa đáp ứng yêu cầu. Thông tin về giá đất thị trường còn thiếu và độ tin cậy chưa cao.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) kiến nghị: “Để bảo đảm lợi ích của Nhà nước và phản ánh đúng giá trị thực tế của doanh nghiệp, cần xem xét lại quyết định liên quan đến xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất và giá trị doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa.”

Bên cạnh đó, tình trạng chậm thực hiện tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các bộ; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp kém hiệu quả dẫn đến vi phạm trong quản lý sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp... là những vấn đề cũng được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra.

Trong phiên sáng 28/5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trao đổi, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trong phiên chiều 28/5, không khí nghị trường sôi nổi với phần tranh luận về miễn tiền thuê đất cho các dự án trong các đặc khu. Cho rằng đề xuất miễn tiền sử dụng đất cho các dự án có mục đích sử dụng đất từ 10-30 năm, là chính sách đi ngược lại luật cung cầu về đất đai.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) e ngại chính sách này không những không thu hút tốt các nhà đầu tư cạnh tranh mà còn làm thất bại quá trình cạnh tranh lành mạnh của các đặc khu.

Quan điểm này đã vấp phải sự không đồng tình của nhiều đại biểu. Có ý kiến lại cho rằng thời gian miễn thuê đất 30 năm là quá dài, cần xem xét đến tính hiệu quả và hợp lý.

Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể và Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan.

Thứ ba, ngày 29/5, buổi sáng các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật An ninh mạng. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam và Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục