Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2015 của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) diễn ra ngày 16/1, ông Trần Quốc Lẫm, Phó Tổng Giám đốc NPT cho biết, năm nay, Tổng Công ty có kế hoạch đầu tư 19.515 tỷ đồng cho các dự án lưới điện truyền tải, tăng 1.520 tỷ đồng so với mức đầu tư năm trước.
Như vậy, trong năm 2015, Tổng Công ty sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành 72 dự án; trong đó có 12 dự án 500kV và 60 dự án 220kV. Điển hình là các dự án giải tỏa công suất các dự án nguồn điện như đường dây 500kV Sơn La-Lai Châu, nâng công suất trạm biến áp 500kV Sơn La; đường dây 500kV Vũng Áng-nhánh rẽ Hà Tĩnh-Đà Nẵng; đường dây Vũng Áng-Ba Đồn-Đồng Hới; trạm biến áp 500kV Duyên Hải; các dự án thu gom công suất thủy điện nhỏ như trạm biến áp 220kV Than Uyên, Kon Tum…
Cùng với việc triển khai các dự án đảm bảo cấp điện cho Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực kinh tế trọng điểm miền Bắc và miền Nam như trạm biến áp 500kV Phố Nối, trạm biến áp 220kV Bắc Ninh 2; đường dây 500/220kV Bắc Ninh 2-Phố Nối; các đường dây 220kV Vân Trì-Chèm, Cầu Bông-Đức Hòa, Tân Định-Uyên Hưng, Trảng Bàng-Tây Ninh…, Tổng Công ty cũng thực hiện các dự án cấp điện cho các phụ tải quan trọng và chống quá tải ở Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Phan Thiết, Sóc Trăng… NPT còn tiếp tục thực hiện các dự án nâng cao năng lực lưới điện truyền tải và tăng cường cung cấp điện cho miền Nam.
Song song với đó, trong năm 2015, Tổng Công ty sẽ hoàn thiện các thủ tục để khởi công 61 dự án, trong đó có các dự án lưới điện đồng bộ với các nguồn điện ở Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải, Vĩnh Tân để cung cấp điện cho miền Nam…
Để thực hiện mục tiêu này, ông Trần Quốc Lẫm cho rằng Tổng Công ty sẽ phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trong tất cả các khâu từ chuẩn bị đến đầu tư, thu xếp vốn, đầu tư theo kế hoạch điều hành tổng thể đã được phê duyệt cho từng dự án. Cụ thể như chú trọng lựa chọn, phê duyệt phương án tuyến đường dây và vị trí trạm ngay từ bước đầu thực hiện dự án để có tính khả thi cao trước khi thỏa thuận với địa phương, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Tổng Công ty và xã hội để giảm thiểu việc điều chỉnh trong quá trình triển khai.
Bên cạnh đó, Tổng Công ty tập trung đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, nâng cao chất lượng tư vấn thiết kế, chất lượng và thời gian thẩm định phê duyệt.
Riêng đối với công tác giải phóng mặt bằng luôn là khâu khó khăn nhất và cũng gây vướng mắc nhất trong quá trình triển khai các dự án truyền tải. Đặc biệt năm 2015 có số lượng lớn các dự án trọng điểm trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh có tính chất phức tạp. Vì vậy, Tổng Công ty yêu cầu các Ban Quản lý, Công ty Truyền tải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác này và kịp thời báo cáo Tổng Công ty, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các cấp có thẩm quyền và Chính phủ sớm có chỉ đạo, xử lý kịp thời.
Đánh giá về việc thực hiện các dự án đầu tư trong năm 2014, ông Vũ Ngọc Minh, Tổng Giám đốc NPT, nhận định năm qua, với khối lượng đầu tư đạt 17.995 tỷ đồng, Tổng Công ty đã đóng điện và đưa vào vận hành 52 công trình từ 220-500kV, góp phần cùng EVN đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam cũng như các vùng kinh tế trọng điểm, các phụ tải quan trọng theo sự chỉ đạo của Chính phủ; đồng thời khởi công 55 công trình, trong đó có nhiều công trình cung cấp điện cho Hà Nội và tăng khả năng cấp điện cho miền Nam.
Đáng chú ý, khối lượng giải ngân vốn đầu tư xây dựng đạt 96,6% so với khối lượng đã thực hiện và vượt 16,7% so với năm 2013. Trong năm, Tổng Công ty đã thu xếp được vốn cho các dự án với tổng số tiền 27.120 tỷ đồng, tăng hơn 42% so với năm 2013; trong đó, thu xếp vốn nước ngoài đạt 16.199 tỷ đồng, còn lại là thu xếp vốn trong nước. Kết quả này khiến các dự án lưới điện đang thi công và khởi công trong năm 2015 được thu xếp đủ vốn vay, đảm bảo tiến độ./.