Nữ doanh nhân ASEAN chủ động ứng phó với COVID-19 và biến đổi khí hậu

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tin tưởng Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN sẽ trở thành diễn đàn hàng đầu của các nữ doanh nhân trong khu vực để dẫn dắt cộng đồng doanh nhân hội nhập kinh tế.
Nữ doanh nhân ASEAN chủ động ứng phó với COVID-19 và biến đổi khí hậu ảnh 1Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu chào mừng Hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 9/11, tại Hà Nội, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam thuộc Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân nữ ASEAN với chủ đề: "Thay đổi vì một cộng đồng doanh nhân nữ mạnh mẽ và thích ứng hơn."

Dự và phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam và các thành viên Mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN (AWEN) đã đoàn kết, nắm bắt thời cơ; vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay; thúc đẩy hợp tác, phát triển trong khu vực.

Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế thế giới nói chung và các quốc gia ASEAN nói riêng. Bối cảnh kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nặng nề với tăng trưởng âm, thương mại sụt giảm nghiêm trọng, thị trường tài chính biến động, đứt gãy các chuỗi cung ứng… tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế-xã hội ASEAN, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp ASEAN. Do đó, sự thích ứng trong trạng thái bình thường mới cần thiết đối với tất cả các quốc gia, doanh nghiệp và người dân.

Thông tin khái quát về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong nước, Phó Chủ tịch nước cho biết Việt Nam được các tổ chức thế giới và cộng đồng quốc tế đánh giá cao; là một trong số các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh; có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả với chi phí thấp. Hiện nay, với tinh thần không lơ là, chủ quan, Việt Nam quyết tâm không để dịch bùng phát trở lại.

Đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, Việt Nam nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động phù hợp với chủ đề "Gắn kết và chủ động thích ứng."

[ASEAN 2020: Trao quyền cho phụ nữ tham gia vào nền kinh tế]

Từ Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 (6/2020), phụ nữ các nước khu vực ASEAN nói chung, nữ doanh nhân nói riêng đã được truyền cảm hứng mạnh mẽ với khẳng định cam kết của ASEAN vào nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong kỷ nguyên số.

Phó Chủ tịch nước mong muốn các chuyên gia kinh tế Việt Nam, ASEAN và thế giới, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nhân nữ ASEAN cùng nhau thảo luận tích cực, thẳng thắn nội dung các chủ đề cấp bách, thiết thực của hội nghị, từ đó đưa ra các giải pháp, khuyến nghị, trình Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN và các hội nghị cấp cao ASEAN có liên quan; góp phần xây dựng ASEAN vì "một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng gắn kết và thịnh vượng."

Phó Chủ tịch nước tin tưởng Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN sẽ trở thành diễn đàn hàng đầu của các nữ doanh nhân trong khu vực để dẫn dắt cộng đồng doanh nhân hội nhập kinh tế; cùng đoàn kết và chủ động ứng phó hiệu quả với tác động của đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch nước mong muốn các nữ doanh nhân nắm bắt cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự ủng hộ của các quốc gia thành viên ASEAN để phát triển lớn mạnh và bền vững, vì một cộng đồng doanh nhân nữ ASEAN mạnh mẽ và thích ứng hơn.

Nữ doanh nhân ASEAN chủ động ứng phó với COVID-19 và biến đổi khí hậu ảnh 2Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tham dự Hội nghị, các chuyên gia, diễn giả tham dự 4 phiên họp: “Chủ động thích ứng với đại dịch COVID-19”; “Thúc đẩy chuyển đổi số và phục hồi toàn diện cho doanh nghiệp do nữ làm chủ”; “Đầu tư thông minh qua lăng kính giới”; “Thúc đẩy quan hệ hợp tác hiệu quả thông qua các mạng lưới."

Tại đây, Hội nghị thông qua một số khuyến nghị về cải thiện cơ hội tiếp cận nguồn lực hỗ trợ, đặc biệt nguồn tài chính từ Chính phủ, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội cho nữ doanh nhân; thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, tăng cường năng lực, cơ hội tiếp cận công nghệ mới, trang bị kiến thức, công cụ kỹ thuật số cho nữ doanh nhân; từng bước chuyển đổi số cho doanh nghiệp kể cả các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) do phụ nữ làm chủ; xây dựng hệ sinh thái đáp ứng giới để phát triển doanh nghiệp; tăng cường chính sách tài chính quốc gia, khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng và cải cách thể chế để khuyến khích tạo thị trường vốn, thúc đẩy đầu tư thông minh qua trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.