Ngày 17/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại Hội nghị nữ khoa học và công nghệ lần thứ nhất, khu vực phía Bắc với chủ đề: “Nữ trí thức với khoa học và công nghệ vì sự phát triển bền vững” do Hội Nữ trí thức khoa học Việt Nam tổ chức.
Cùng dự có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch danh dự Hội Nữ trí thức Việt Nam; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà.
Hội nghị thu hút hàng chục nhà khoa học tham gia.
Các báo cáo tập trung vào giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn phát triển bền vững đất nước như xử lý môi trường làng nghề; quản lý rác thải sinh hoạt; xử lý nước thải đô thị; bảo vệ môi trường biển; chăm sóc sức khỏe cộng đồng; giải pháp quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển chuỗi nông nghiệp hữu cơ; thương mại hóa các công trình nghiên cứu khoa học…
Hội nghị cũng là dịp để các nhà khoa học nữ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các sản phẩm khoa học, công nghệ nhằm tăng cường ứng dụng kết quả khoa học, công nghệ vào thực tiễn; đồng thời tạo động lực thúc đẩy các nhà khoa học nữ nâng cao hơn nữa hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ phát triển bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh và bày tỏ cảm phục đối với các hoạt động của Hội Nữ trí thức Việt Nam thời gian qua.
Đánh giá cao chủ đề của Hội nghị, Phó Thủ tướng cho rằng đây là chủ đề rất thuyết phục, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đất nước liên tục nhiều năm xếp thứ 2 thế giới.
Từ một quốc gia nghèo khó, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên thành nước có thu nhập trung bình. Đặc biệt, bên cạnh công cuộc phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta cũng luôn quan tâm giải quyết những vấn đề liên quan đến con người trong từng bước phát triển.
Tuy nhiên trong bối cảnh mới, có nhiều cơ hội phát triển được mở ra song cũng đặt đất nước đứng trước không ít những thách thức, khó khăn.
Nhấn mạnh yêu cầu phát triển nhanh nhưng phải bền vững, Phó Thủ tướng cho rằng bên cạnh phát triển kinh tế phải đặc biệt quan tâm giải quyết các vấn đề về môi trường và xã hội. Bởi thực tiễn nhiều quốc gia trên thế giới sau một thời gian chỉ tập trung phát triển kinh tế đã phải trả giá nhiều năm để giải quyết các vấn đề môi trường, xã hội.
[Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam cao hơn mức trung bình toàn cầu]
Phó Thủ tướng cho biết, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành một Nghị quyết về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Do đó, muốn tận dụng tốt những cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm cả về xây dựng thể chế, tạo điều kiện để phát triển khoa học, công nghệ, phát huy nguồn lực con người, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo… để khoa học, công nghệ thực sự là một động lực quan trọng phát triển đất nước trong thời gian tới.
Theo Phó Thủ tướng, trong những năm qua, kết quả chúng ta đạt được về khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo là rất đáng tự hào, được thế giới đánh giá cao.
Dẫn một loạt ví dụ: Chỉ số sáng tạo của Việt Nam tăng liên tục, hiện xếp thứ 42; Việt Nam cũng đứng thứ 38 trên Thế giới về giáo dục phổ thông; giáo dục đại học trước đây không nằm trong Bảng xếp hạng (ngoài top 100) đã gần lên thứ 80 và năm vừa rồi đã xếp thứ 68; trong 5 năm qua chúng ta đã có trên 30.000 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế được xếp hạng, 4 trường đại học nằm trong top 1000…
Phó Thủ tướng khẳng định đây là bước tiến vô cùng ý nghĩa song “kết quả tốt nhưng chúng ta không được hài lòng.”
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta phải nhìn thẳng vào những hạn chế để có giải pháp khắc phục, đổi mới.
Vấn đề phát huy nguồn vốn con người, cần đổi mới đồng bộ giáo dục; thay vì giáo dục thụ động cần khơi dậy và tôn trọng sáng tạo của các cá nhân; không chỉ giáo dục trong nhà trường mà còn phải đẩy mạnh giáo dục trong toàn xã hội; chú ý chia sẻ, phổ biến tri thức…
Theo Phó Thủ tướng, về nguồn lực, trí thức Việt Nam không quá thua kém, nhưng chỉ số sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam còn thấp. Chúng ta chưa sẵn sàng điều kiện để tận dụng cơ hội; từ nghiên cứu đến sản xuất, kinh doanh vẫn còn khoảng cách lớn…
Do đó, Việt Nam cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ về cơ chế khuyến khích, về lợi ích (thuế, tài chính, tín dụng) để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khoa học, công nghệ; đồng thời, phải đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với khoa học, công nghệ theo hướng chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học.
Phó Thủ tướng mong muốn các nữ trí thức sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của người phụ nữ Việt Nam để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, để tận dụng hiệu quả cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững./.