Thủ tướng Vương quốc Anh Theresa May vừa lên tiếng khẳng định nước Anh sẽ thực hiện lộ trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) như nguyện vọng của cử tri nước này trong cuộc trưng cầu dân ý cuối tháng Sáu vừa qua, đồng nghĩa với việc sẽ không có cuộc trưng cầu dân ý lần hai về vấn đề này hay bất kỳ nỗ lực nào bằng “cửa sau” nhằm ở lại EU.
Như vậy, ngành nông nghiệp nước Anh, vốn phụ thuộc vào những lao động thời vụ đến từ các nước thành viên khác của Liên minh châu Âu (EU) do lao động trong nước không còn chấp nhận mức lương thấp, đang phải đứng trước nguy cơ mất nguồn cung lao động này sau sự kiện Brexit.
Theo thống kê, ngành nông nghiệp Vương quốc Anh sử dụng khoảng 67.000 lao động thời vụ mỗi năm và hơn 80% số này đến từ các nước EU khác. Theo luật của EU, các công dân EU có quyền làm việc tại bất kỳ quốc gia nào trong khối và các lao động tay nghề thấp ở Đông Âu đã góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế Anh kể từ khi các quốc gia Đông Âu gia nhập EU vào năm 2004.
Bà Emily Lydate thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách thương mại của Đại học Sussex , cho hay các nông dân ở Vương quốc Anh là đối tượng có nguy cơ bị thiệt hại nhiều nhất do sự kiện Brexit và một trong những lý do là sự phụ thuộc vào lao động của EU.
Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh (ONS), các lĩnh vực khác cũng phụ thuộc vào lao động châu Âu, với hơn 1,9 triệu công dân EU chiếm tới 6,1% lực lượng lao động ở Vương quốc Anh trong năm 2015.
Tại Vương quốc Anh, chế tạo là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động EU nhất với hơn 292.000 người, tiếp theo là lĩnh vực bán buôn/bán lẻ với 230.000 người./.