Theo ông Nguyễn Hữu Lộc, cán bộ Phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, mới đây nước mặn đã xâm nhập vào địa bàn huyện Thoại Sơn và huyện Tri Tôn, tuy nhiên nồng độ mặn còn ở mức thấp, dưới 2 phần nghìn.
Ông Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng công tác biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ cho biết, trên sông Hậu, điểm tại Cảng Cái Cui, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ từ ngày 5/3 đến nay nồng độ mặn đo được luôn trên mức 2.000 mg/l.
Cụ thể, ngày 5/3 nồng độ mặn đo được 2.059 mg/l, ngày 8/3 đo được 2.028mg/l và từ đó đến nay độ mặn luôn vượt ngưỡng nước uống, trên 2,5mg/l.
Như vậy, đến trung tuần tháng 3/2016 toàn bộ 13/13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã bị nước mặn xâm nhập; trong đó có nhiều tỉnh bị mặn xâm nhập nặng nề như Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang...
Riêng tại tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh chỉ còn 4 xã tại địa bàn huyện Chợ Lách là chưa bị nước mặn xâm nhập, tất cả các xã còn lại của tỉnh này đã bị mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, hiện nay và dự báo trong thời gian tới, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng nước ngọt tưới cho sản xuất nông nghiệp lớn; đồng thời lượng bốc hơi cao, nước ngọt hao phí tự nhiên lớn.
Do các yếu tố trên, kết hợp với những ngày triều cường, gió chướng mạnh nên xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đã, đang và sẽ diễn ra nhiều bất lợi cho sản xuất và nguồn nước phục vụ sinh hoạt.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo, một số khu vực tại Đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến tháng 5/2016 khi có gió chướng cấp 5, cấp 6 trở lên độ mặn sẽ tăng cao. Nếu tháng 5/2016 có mưa tại Đồng bằng sông Cửu Long và lưu vực sông Mê Kông độ mặn sẽ giảm nhiều so với dự báo.
Cụ thể, từ nay đến ngày 18/3, các vùng cách biển 30-45km, nước ngọt giảm nhiều và gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông; các vùng cách biển 45-65km, có khả năng bị mặn cao, trên 4g/l xâm nhập nhưng chân triều có thể lấy nước ngọt; các vùng cách biển xa hơn 70-75km ít gặp xâm nhập mặn 4g/l, nhưng cũng cần cẩn thận trong các đợt triều cường, vì vẫn là vùng xâm nhập mặn nồng độ dưới 4g/l ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt./.