Theo tạp chí The Diplomat, chi phí sản xuất thấp đã đóng vai trò lớn đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới vào năm 2010, trước đó năm 1980 kinh tế Trung Quốc xếp vị trí thứ 9. Hiện tại Trung Quốc đang nhanh chóng chuyển đổi từ nền sản xuất với công nghệ trung bình thành nền sản xuất với công nghệ cao, cùng chi phí lao động tăng.
Michelle Rodriguez Drew, đồng tác giả báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh sản xuất toàn cầu của Deloitte năm 2016 cho biết: “Một thập kỷ trước, Trung Quốc còn không có mặt trong bản đồ công nghệ thế giới. Nhưng hiện tại họ có các máy tính nhanh nhất thế giới, thậm chí đánh bại các phòng thí nghiệm quốc gia của Mỹ.”
Quá trình chuyển đổi của Trung Quốc đang mở ra không gian cho các nước khác hướng tới nền sản xuất chi phí thấp, lĩnh vực mà Trung Quốc đang chi phối.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia tham gia cuộc thăm dò, Ấn Độ sẽ là trung tâm hàng đầu tiếp theo cho nền sản xuất chi phí thấp, tuy nhiên, theo khảo sát của Deloitte thì "Trung Quốc mới" sẽ là một nhóm quốc gia được gọi là MITI-V.
Vậy, MITI-V gồm những ai?
Theo Deloitte, MITI-V bao gồm các nền kinh tế của Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam gọi tắt là MITI-V, sẽ thay thế Trung Quốc để trở thành “công xưởng” của thế giới.
Cũng theo dự đoán của Deloitte, Trung Quốc, Mỹ và Đức hiện đang nằm trong nhóm 15 quốc gia có ngành sản xuất cạnh tranh mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, trong 5 năm tới, theo một cuộc khảo sát đối với các CEO trong lĩnh vực công nghiệp được Deloitte thực hiện, MITI-V sẽ gia nhập nhóm 15 nước có ngành sản xuất cạnh tranh hàng đầu.
Những nước này chính là "Trung Quốc mới" - nền kinh tế có chi phí sản xuất thấp (chi phí lao động thấp trong các ngành sản xuất như dệt may, đồ chơi và thiết bị điện tử tiêu dùng cơ bản).
Chi phí lao động tăng nhanh tại Trung Quốc
Sản xuất hàng hóa ở Trung Quốc hiện nay có mức chi phí rẻ hơn Mỹ chỉ khoảng 4%, nguyên nhân chủ yếu do chi phí nhân công của nước này đã tăng tới 80% kể từ năm 2010. Ứng phó với tình trạng trên, Chính phủ Trung Quốc đang hỗ trợ hàng tỷ USD để chuyển nền sản xuất giá trị trung bình sang nền sản xuất giá trị cao hơn.
Tiến sỹ Jing Bing Zhang, giám đốc nghiên cứu của IDC Robotics toàn cầu cũng đồng tình với quan điểm của Drew Rodriguez về sức mạnh của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến: “Trung Quốc rất cạnh tranh trong lĩnh vực này. Họ có thể sản xuất các sản phẩm rất phức tạp. Họ có kỹ năng và có thể duy trì sản phẩm có chất lượng tốt. Điện thoại thông minh, chất bán dẫn, robot, thiết bị sản xuất tiên tiến... họ thậm chí tham gia cả lĩnh vực hàng không.”
Ông Zhang cho biết thêm, khi giá trị sản xuất của Trung Quốc cao lên, tiền lương lao động tăng, sản xuất chi phí thấp đang chuyển dần từ nước này sang các nước khác.
Zhang nói: “Đây là điều đã xảy ra trong vài năm qua và không có gì mới. Đặc biệt, sản xuất giày và quần áo đã được chuyển sang Việt Nam, Indonesia và cả Bangladesh. Trung Quốc thực sự đang tập trung nâng cấp ngành công nghiệp từ công nghệ trung bình lên công nghệ cao.”
Trong MITI-V, nước nào mạnh nhất?
Chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất đã chỉ ra các yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh cạnh tranh trong nền sản xuất chi phí thấp: dân số trẻ, chi phí lao động thấp, môi trường chính sách thuận lợi, cơ sở hạ tầng chất lượng tốt, có nguồn lao động kỹ sư, mức lương tối thiểu được người lao động chấp nhận, kinh tế có tăng trưởng và một thị trường tiêu dùng lớn.
Mỗi một nền kinh tế khác nhau đều có những ưu và nhược điểm riêng; tuy nhiên ông Zhang cho rằng “người hàng xóm khổng lồ của Trung Quốc ở phía Tây là Ấn Độ có nhiều tiềm năng nhất để trở thành trung tâm tiếp theo cho nền sản xuất chi phí thấp.”
Ông Zhang cũng nhận định Ấn Độ sẽ trở thành trung tâm lắp ráp thiết bị điện tử tiếp theo sau Trung Quốc. Hãng điện tử khổng lồ của Trung Quốc là Huawei tháng 9/2016 đã tuyên bố có thể sản xuất 3 triệu chiếc điện thoại thông minh một năm tại Ấn Độ, còn Foxconn - đối tác của Apple - cũng đang xây dựng nhà máy lắp rắp điện thoại iPhone trị giá 10 tỷ USD tại Ấn Độ.
Đặc biệt, điểm mạnh của Ấn Độ là có nguồn lao động trình độ hỗn hợp, vừa có lao động trình độ cao, vừa có lao động phổ thông; đồng thời nước này cũng là một thị trường tiêu dùng tiềm năng với dân số 1,2 tỷ người. Mặc dù phần lớn dân số là người nghèo, tuy nhiên thu nhập của người dân Ấn Độ đang tăng lên.
Zhang cho biết: “Ấn Độ có một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp đại học. Điều này rất quan trọng. Bạn yêu cầu kỹ sư sản xuất; bạn cần kỹ sư thiết kế; bạn cũng cần giám sát viên. Và Ấn Độ có một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp được giáo dục bài bản. Đây là lợi thế so sánh nổi trội so với các quốc gia khác trong MITI-V.”
Môi trường đầu tư sản xuất của Ấn Độ cũng đang nhận được nhiều chính sách hỗ trợ. Chính phủ Ấn Độ năm 2014 đã phát động chiến dịch "chế tạo tại Ấn Độ," nhằm mục đích thúc đẩy sản xuất trong nước. Chiến dịch trên của Chính phủ Ấn Độ đã đạt được một số thành công: Năm 2015, nước này đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất trên thế giới.
Mặc dù có rất nhiều mặt tích cực song Ấn Độ cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Để có một cơ sở sản xuất phát triển, người lao động ít nhất cũng phải biết đọc và viết nhằm vận hành máy móc. Đây là điểm yếu của Ấn Độ khi nước này đứng thứ 105 thế giới về tỷ lệ biết chữ.
Theo số liệu thống kê trong báo cáo phát triển con người năm 2016 của Liên hợp quốc, Ấn Độ có tỷ lệ người biết chữ thấp nhất trong các quốc gia MITI-V. Cơ sở hạ tầng của nước này cũng có nhiều hạn chế như: trong lĩnh vực giao thông và cung cấp năng lượng. Đây là những lĩnh vực Ấn Độ bị xếp hạng thấp nhất trong số các nền kinh tế mới nổi. Hiệu quả hoạt động của chính phủ cũng là một trở ngại, sự chậm trễ trong việc thu hồi đất và vấn đề môi trường đã làm đình trệ 270 dự án tại Ấn Độ trong năm qua.
Tuy nhiên, với một thị trường khổng lồ, cùng với chi phí sản xuất thấp và lời mời gọi từ chính phủ, Ấn Độ là sự lựa chọn số 1 của các nhà đầu tư đang lên kế hoạch sản xuất lớn.
Theo ông Drew Rodriguez, có những dấu hiệu để Ấn Độ chiếm ưu thế lớn như “tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp, hỗ trợ của chính phủ và môi trường đầu tư đang dần cải thiện," từ đây có thể khẳng định Ấn Độ sẽ trở thành trung tâm sản xuất với chi phí thấp sắp tới.
Một kỹ sư cao cấp của BSH Hausgeräte GmbH - nhà sản xuất đồ gia dụng lớn nhất ở châu Âu đồng thời cũng là một nhà đầu tư lớn tại châu Á, đã có kinh nghiệm đầu tư tại Trung Quốc - cho biết: “Ấn Độ sẽ là trung tâm sản xuất của thế giới trong tương lai. Dù hạ tầng cơ sở tại quốc gia này không phải quá tốt song họ có rất nhiều người.”
Tuy nhiên, ông nhận thấy các công ty Trung Quốc cũng đang chuyển dịch sang Việt Nam, nơi có môi trường chính trị rất ổn định. Có thể thấy các nước Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam đều có những lợi thế riêng và những nước này cũng có một số điểm mạnh như Ấn Độ.
"Không có rủi ro” là bình luận của tiến sỹ Carlo Bonura thuộc Đại học Oxford khi đề cập đến các quốc gia Đông Nam Á thuộc MITI-V. Ông Bonura cho rằng có rất ít rủi ro như bị tước quyền sở hữu tài sản hoặc rủi ro trong lao động.
Theo ông "Đông Nam Á là khu vực mà tất cả các thể chế nhà nước dù dân chủ hay độc đoán đều có một nhận thức chung rằng bất ổn và cô lập về chính trị sẽ ảnh hưởng tới sự ổn định kinh tế."
Điều này trái ngược với Ấn Độ, trước khi Thủ tướng hiện tại Narendra Modi nắm quyền, Ấn Độ được biết đến là nước không chào đòn các nhà đầu tư nước ngoài.
Cả Bonura và Zhang đều cho rằng Thái Lan và Malaysia đang tập trung vào nền sản xuất với công nghệ cao và trung bình hơn là nền sản xuất với chi phí thấp. Thái Lan đã là một quốc gia mạnh về sản xuất ôtô, điện tử, thực phẩm và công nghiệp hóa chất, trong khi Malaysia cũng là quốc gia có thế mạnh đối với ngành công nghiệp hóa chất, máy móc thiết bị và công nghiệp chế biến cao su. Chính những thế mạnh trên đã đem lại sự thịnh vượng cho Malaysia và Thái Lan để trở thành các nước có nền kinh tế đứng đầu trong MITI-V.
Đối với Indonesia và Việt Nam, kỹ sư cao cấp của BSH Hausgeräte GmbH cho biết đã nghe thông tin từ rất nhiều công ty rằng họ đang dịch chuyển sang Việt Nam, nước có chi phí nhân công chỉ bằng một nửa Trung Quốc, cùng môi trường chính trị ổn định. Việt Nam cũng có cơ sở hạ tầng tốt hơn so với Indonesia và lợi thế gần Trung Quốc.
Ông Bonura cho biết vấn đề đối với Indonesia là năng lực quản lý nhà nước để thực hiện các chiến lược công nghiệp; quốc gia này bị phân tán và đang đối mặt với vấn đề lớn về cơ sở hạ tầng.
Trong khi đó, Việt Nam không gặp phải các thách thức này; tuy nhiên so với Indonesia, Việt Nam là quốc gia nhỏ hơn với dân số khoảng 95 triệu người, so với 255 triệu người của Indonesia. Vì vậy xét về góc độ thị trường tiêu dùng, Việt Nam rất nhỏ so với Indonesia; tuy nhiên, đối với khía cạnh này không một nước nào so được với Ấn Độ.
Sự nổi lên của công nghệ robot
Rõ ràng Ấn Độ là sự chọn lựa số 1 trong các nước MITI-V để trở thành nền sản xuất chi phí thấp hàng đầu thế giới. Báo cáo của Deloite đánh giá Ấn Độ đang là nước có ngành sản xuất cạnh tranh đứng thứ 11 thế giới, nước này đã lọt vào nhóm 15 nước hàng đầu thế giới về sản xuất cạnh tranh sớm hơn tất cả các quốc gia khác thuộc MITI-V.
Tuy nhiên, có một điều đe dọa đối với tất cả các nước MITI-V về một nền sản xuất với chi phí thấp, đó chính là công nghệ robot. Với việc robot ngày càng tinh vi hơn, các nhà phân tích dự báo công nghệ này sẽ thay thế lao động con người trong tương lai.
“Sự nổi lên của robot” - một trong những cuốn sách bán chạy nhất năm 2016 của Martin Ford - đã vẽ ra bức tranh u ám trong lĩnh vực việc làm khi robot có thể làm một lượng lớn lao động thất nghiệp, và tự động hóa sẽ thay thế nền sản xuất chi phí thấp. Các nhà bình luận và hoạch định chính sách của Ấn Độ dường như cũng đang lo lắng cho quả bom việc làm ở nước này, từ kinh nghiệm của Trung Quốc trong suốt giai đoạn tăng trưởng nóng.
Họ có thể đã quá lo lắng? Cả Zhang và Rodriguez đều nghĩ vậy, họ cho rằng trong 15 năm đến 20 năm tới, con người vẫn chiếm phần lớn trong nền sản xuất. Hai ông đã chỉ ra số liệu thống kê năm 2014, tỷ lệ robot trong các ngành sản xuất vẫn rất thấp, số liệu chung trên toàn cầu chỉ khoảng 66 robot trên 10.000 nhân viên, trong đó ở Trung Quốc là 36, ở Thái Lan là 57 và ở Ấn Độ gần như bằng 0.
Một rào cản nữa khiến MITI-V khó trở thành nền sản xuất thay thế Trung Quốc chính là chủ nghĩa bảo hộ, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra cảnh báo đối với các công ty có xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Mỹ và tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, những điều trên sẽ không làm giảm triển vọng trở thành trung tâm sản xuất của thế giới đối với các nước MITI-V, bởi thế giới đang ngày càng kết nối chặt chẽ hơn.
Tất cả các nước MITI-V đều có những ưu điểm riêng, tuy nhiên với một thị trường lớn và nguồn lao động khổng lồ cùng chi phí thấp, Ấn Độ là nước đang chiếm ưu thế nhất. Tuy nhiên, điều này chưa phải là cơ sở đầy đủ để cho rằng các nước MITI-V khác sẽ không thể trở thành một "Trung Quốc mới."
Bất chấp mối đe dọa từ ngành công nghiệp robot hay chủ nghĩa bảo hộ, các nước MITI-V đều có khả năng cạnh tranh để trở thành nền sản xuất chi phí thấp thay thế Trung Quốc./.