Nước Pháp đối mặt với tình trạng người vô gia cư tăng mạnh

Theo báo cáo hàng năm của Quỹ Abbé Pierre công bố ngày 3/2, nước Pháp có 3,5 triệu người sống trong điều kiện tồi tàn không có nhà hoặc sống trong những căn nhà trọ tạm bợ.
Nước Pháp đối mặt với tình trạng người vô gia cư tăng mạnh ảnh 1Người vô gia cư ngủ trên vỉa hè, dưới mái vòm thành phố Nice, miền Đông Nam Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, báo cáo hàng năm của Quỹ Abbé Pierre về tình trạng nhà ở của những người nghèo khó công bố ngày 3/2 cho thấy nước Pháp có 3,5 triệu người sống trong điều kiện tồi tàn không có nhà hoặc sống trong những căn nhà trọ tạm bợ.

Nhiều tờ báo lớn của Pháp xuất bản trong ngày 3/2 như Le Figaro, Le Point, 20 minuites cho rằng đây thực sự là một lời cảnh báo, một tín hiệu SOS, một "hiện trạng đau đớn" đối với nước Pháp, nó cho thấy khủng hoảng tác động ngày càng mạnh đến người dân.

Trong 20 năm qua, mặc dù chính quyền đã hết sức nỗ lực, nhiều sáng kiến đã được triển khai, nhiều luật hỗ trợ người khó khăn đã được thông qua, nhưng các chính sách vẫn không đạt được mục tiêu đề ra, những người bị gạt sang bên lề xã hội vẫn là những người dễ bị tổn thương nhất.

Trong số 3,5 triệu người này, có 141.500 người gồm cả người lớn và trẻ em thực sự là những người vô gia cư. Như vậy, con số này đã tăng lên 50% trong vòng 10 năm qua.

Tại Pháp, những người vô gia cư (SDF) thường ngủ trên đường phố, trong vườn hoa, trong một chiếc lều căng bằng vải dù, trong nhà ga tàu điện ngầm, hoặc một trung tâm xã hội đón tiếp những người SDF. Trong năm 2014, 440 người vô cư đã chết và 91,8 % trong số đó là đàn ông, những người lang thang, thất nghiệp, cao tuổi, khốn khó, từng vào tù.

Theo ông Manuel Domergue, Giám đốc nghiên cứu của Quỹ Abbé Pierre, các trung tâm đón tiếp thường không đủ chỗ để đáp ứng được hết các đề nghị của các đối tượng này, trung bình cứ hai cuộc gọi điện đề nghị thì mạng lưới hỗ trợ của chính quyền và xã hội chỉ đáp ứng được một.

Một điểm đáng lưu ý khác là tuổi thọ trung bình của người Pháp là 78,5 tuổi đối với nam và 84,9 đối với nữ thì người vô gia cư tại các tỉnh có tuổi thọ trung bình là 47 tuổi và tại vùng Ile-de-France là 55.

Báo cáo hàng năm của Quỹ Abbé Pierre cũng cho thấy bên cạnh người vô gia cư, rất nhiều người dân cũng mòn mỏi xếp hàng chờ để được thuê hoặc mua một căn hộ là nhà ở xã hội.

Theo thống kê, 1,8 triệu cặp vợ chồng có nhu cầu được mua hoặc thuê nhà ở xã hội trong khi mỗi năm thị trường chỉ cung cấp được 450.000 căn hộ.

Trên thực tế, Quốc hội Pháp đã thông qua Luật SRU và Luật Dalo yêu cầu chính quyền địa phương xây nhà ở xã hội cho người nghèo và bố trí chỗ ở cho những người có hoàn cảnh bấp bênh, tuy nhiên, có rất nhiều rào cản để các chính sách đó không thể thực hiện được.

Báo cáo của Quỹ Abbé Pierre cho rằng cuộc " khủng hoảng nhà ở hiện tại đã không được đánh giá đúng mức," "chính sách xã hội bị kìm hãm bởi sự khắc nghiệt của ngân sách" và "hệ tư tưởng theo đuôi thị trường."

Báo cáo cũng yêu cầu tăng cường đấu tranh chống bất bình đẳng xã hội và tái khởi động kế hoạch xây mới hàng năm 500.000 nhà ở trong đó 150.000 thực sự là nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu do tăng dân số cơ học.

Cơ sở để thực hiện chính sách đó là "Bản Khế ước xã hội về một chính sách nhà ở mới" được công bố năm 2012 trong đó Tổng thống Pháp François Hollande cũng đã cam kết thực hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.