Theo thông tin mới nhất từ Cục Thú Y, hiện nay cả nước có 67 ổ dịch tại 21 tỉnh có dịch cúm gia cầm H5N1; số gia cầm mắc bệnh, chết là 63.611 con, toàn bộ số gia cầm trong đàn mắc bệnh đã được địa phương tiêu hủy.
Cụ thể, trong tuần từ 18/2-25/2/2014, cả nước có thêm 10 tỉnh, thành phố có báo cáo ổ dịch cúm gia cầm phát sinh bao gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Cần Thơ, Vĩnh Lonh, Thanh Hóa, Phú Thọ, Bình Định, Trà Vinh, Bạc Liêu và 11 tỉnh, thành phố có ổ dịch phát sinh trong tuần trước bao gồm: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa Vũng Tàu.
Nhận định tình hình dịch các ổ dịch vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Thú Y ông Đàm Xuân Thành cho biết, các ổ dịch từ đầu năm tới nay xảy ra chủ yếu trên đàn gia cầm nuôi tại các hộ gia đình và được chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn thú y phát hiện và xử lý kịp thời nên chưa có hiện tượng lây lan trên diện rộng.
“Có 4 tỉnh có 1 hộ bị dịch, 6 tỉnh có 2 hộ bị dịch… trung bình mỗi tỉnh có 3 ổ dịch xảy ra tại 2 huyện. Riêng các tỉnh Khánh Hòa và Lào Cai có số lượng lớn gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy trên 10.000 con/tỉnh,” ông Đàm Xuân Thành cho hay.
Theo vị Phó Cục Trưởng Cục Thú Y này, trong thời gian tới, nguy cơ xảy ra dịch nhỏ lẻ ở các địa phương là rất cao. Tuy nhiên, nếu các địa phương tăng cường công tác giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời thì vẫn kiểm soát được dịch.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng vừa diễn ra chiều nay (25/2), do Cục Thú Y chủ trì tại Hà Nội, các thành viên trong ban chỉ đạo đều thống nhất thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ Tướng Chính phủ với “Đề án phòng ngừa ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép”; tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm lây lan qua biên giới; tập trung chống dịch cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây lan sang người như: virus H5N1, H7N9…
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục triển khai “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khẩn cấp để phòng, chống dịch cúm gia cầm” từ nay đến cuối tháng 3.
Theo đó,hàng tuần các địa phương xây dựng kế hoạch chủ động phòng, chống dịch, bố trí dự phòng ngân sách địa phương mua vắcxin hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Khi có ổ dịch cúm gia cầm phát sinh và lây lan, địa phương tổ chức công bố dịch và báo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để được hỗ trợ kịp thời vắcxin tiêm bao vây ổ dịch.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo quốc gia yêu cầu các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp khác như tuân thủ các quy định về con giống, thực hiện tốt công tác chăm sóc nuôi dưỡng gia cầm; khuyến cáo áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc kiểm soát có hiệu quả việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra vào địa bàn, tiêm phòng vắc xin cho gia cầm theo quy định và thường xuyên tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi./.