Ngày 27/4, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo người dân Anh sẽ nghèo đi nếu quốc gia này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Tổng Thư ký OECD Angel Gurria dẫn báo cáo phân tích của tổ chức, nhận định việc Anh rời khỏi EU (Brexit) sẽ gây ra tổn thất tương đương với việc bị đánh thêm thuế.
Cụ thể, trong vòng 4 năm, tức là tính đến năm 2020, mỗi người lao động ở Anh sẽ chịu tổng thiệt hại bằng một tháng lương hiện tại (3.200 USD). Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh sẽ giảm 3,3% trong 4 năm tới và giảm 5,1 % vào năm 2030.
Những tác động từ bất ổn kinh tế, thuế tăng, việc giảm lao động di cư vì mục đích kinh tế và những biến động đối với đồng bảng là nguyên nhân chính dẫn tơi sự sụt giảm này.
Phân tích mới của OECD cũng khá giống với những cảnh báo do Bộ Tài chính Anh mới công bố hồi tháng này về nguy cơ người dân Anh sẽ nghèo đi vì thất thu khoảng 6.100 USD/hộ gia đình/năm nếu Anh rời khỏi EU.
Như vậy, cho tới nay bên cạnh các tổ chức quốc tế uy tín khác như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), OECD là tổ chức mới nhất cảnh báo những thiệt hại có thể xảy ra nếu người dân Anh lựa chọn rời “ngôi nhà chung” châu Âu.
Bất chấp những cảnh báo trên, phe ủng hộ "Brexit" vẫn nhấn mạnh rằng nước Anh sẽ gây dựng một tương lai thành công sau khi rời khỏi EU.
Tuy nhiên, ông Gurria cho rằng đây là điều “không tưởng,” “quyết định tồi” khi khẳng định OECD đã tiến hành nhiều so sánh, nhiều phép ước tính và đánh giá nhiều kịch bản khác nhau cho viễn cảnh Anh rời khỏi EU trước khi đi đến kết luận.
Hiện các cuộc thăm dò dư luận cho thấy dư luận Anh vẫn chia rẽ sâu sắc về việc đi hay ở lại EU. Phe ủng hộ Anh ở lại trong đó bao gồm Thủ tướng David Cameron chỉ nhỉnh hơn một chút so với phe đối lập./.