Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 19/11 công bố báo cáo cho biết, kinh tế Ấn Độ đang ra khỏi tình trạng tăng trưởng chậm lại, song việc thực hiện các biện pháp cải cách là “chìa khóa” để đạt được nhịp độ tăng trưởng bền vững 8%.
Theo OECD, nhịp độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ chỉ ở mức dưới 5% trong hai tài khóa vừa qua, do lãi suất và lạm phát cao trong khi đầu tư yếu.
Nền kinh tế này được dự báo sẽ tăng trưởng trong 5,4% trong tài khóa hiện nay, trước khi bứt lên với mức tăng 6,6% trong tài khóa 2015-2016, cao hơn so với mức dự đoán tăng 5,7% mà chính tổ chức này đưa ra hồi tháng 5/2014.
OECD cũng dự đoán GDP của Ấn Độ sẽ tiếp đà tăng và ước đạt mức tăng 6,8% trong tài khóa 2016-2017. Tuy nhiên, để có thể tăng trưởng bền vững 8%, Ấn Độ phải nhanh chóng thay đổi cơ chế trợ cấp xã hội, cải cách thuế, điều chỉnh hệ thống ngân hàng nhằm tăng đầu tư cho hạ tầng và cải cách luật lao động để tạo việc làm.
OECD cũng hối thúc Ấn Độ sớm triển khai thực hiện thuế dịch vụ và hàng hóa (GST) nhằm cải thiện tài chính công, song song với việc củng cố tài chính ở cấp trung ương và các bang.
Báo cáo của OECD nêu rõ kinh tế Ấn Độ đang có dấu hiệu phục hồi tăng trưởng. Những biện pháp cải cách mới, trong đó một số biện pháp nằm trong gói biện pháp do Thủ tướng Narendra Modi công bố, cần được triển khai thực hiện để đưa nền kinh tế nước này vào quỹ đạo phát triển toàn diện, mạnh mẽ và bền vững.
Trong khi dự đoán tỷ lệ lạm phát tại Ấn Độ sẽ ở mức 6,9% trong tài khóa hiện nay, 5,4% trong tài khóa 2015-2016 và 5,6% trong tài khóa tiếp theo, OECD cho rằng Ấn Độ cần áp dụng mục tiêu kiềm chế lạm phát linh hoạt./.