OECD hạ dự báo nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Canada

OECD vừa hạ dự báo nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Canada do giá dầu thô và các loại hàng hóa khác sụt giảm mạnh so với tháng 11/2014.
OECD hạ dự báo nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Canada ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Canadian Press)

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa hạ dự báo nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Canada do giá dầu thô và các loại hàng hóa khác sụt giảm mạnh so với tháng 11/2014, thời điểm OECD đưa ra dự báo tăng trưởng trước đó.

Trong dự báo tăng trưởng mới được công bố ngày 18/3, OECD ước tính nền kinh tế Canada sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm 2015, giảm so với mức dự báo tăng 2,6% hồi tháng 11/2014, và nhịp độ tăng trưởng năm 2016 là 2,1%.

OECD cho biết Canada là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do việc giá dầu mỏ và hàng hóa sụt giảm mạnh, trong khi các nước khác, nhất là ở châu Âu và châu Á, lại được lợi nhờ việc giá dầu thô hạ xuống mức thấp nhất trong vòng sáu năm qua.

Báo cáo của OECD viết: "Các nước xuất khẩu dầu mỏ và hàng hóa đang đối mặt với triển vọng tăng trưởng thấp hơn do giá sụt giảm. Nhưng giá dầu đi xuống sẽ thúc đẩy nhu cầu toàn cầu và tạo điều kiện để nhiều ngân hàng trung ương hạ thấp lãi suất cơ bản," trong đó có Canada.

Dự báo ngày 18/3 của OECD là dự báo mới nhất trong số những dự báo gần đây nhấn mạnh ảnh hưởng của những biến đổi của thị trường dầu mỏ đối với Canada, nhất là tỉnh Alberta. Các công ty trong ngành dầu khí Canada đã bắt đầu cắt giảm ngân sách và việc làm của họ.

Trong Nhóm bảy nền công nghiệp phát triển (G7), ảnh hưởng của việc giá dầu giảm đối với Canada là lớn nhất.

OECD dự báo nhịp độ tăng trưởng của nước Anh năm 2015 là 2,6%, và 1,4% trong năm 2016; tăng trưởng của Nhật Bản là 1% và 1,4%; tăng trưởng của Đức là 1,7% và 2,2%; của Pháp là 1,1% và 1,7%; của Italy là 0,6% và 1,3%; của Mỹ là 3,1% và 3%.

Báo cáo của OECD viết: Triển vọng tăng trưởng tại các nền kinh tế dường như tốt hơn so với thời điểm tháng 11/2014, nhưng triển vọng trước mắt vẫn "khiêm tốn." Những yếu tố thuận lợi đang tạo điều kiện cho Khu vực sử dụng đồng euro và Nhật Bản trở lại mức tăng trưởng phần nào mạnh hơn và cán cân của những chỉ số gần đây nhất là rất đáng khuyến khích.

Tại Mỹ, sự phục hồi theo chu kỳ vẫn tiếp diễn, mặc dù những yếu tố bất lợi ngắn hạn như thời tiết mùa Đông khắc nghiệt ở khu vực Đông Bắc nước Mỹ có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế quý 1/2015."

Ngoài nhóm G7, Ấn Độ được OECD dự báo đạt mức tăng trưởng cao nhất là 7,7% trong năm 2015 và 8% trong năm 2016, trong nhịp độ tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo là 7% và 6,9%. Giống như Canada, dự báo đà tăng trưởng của Brazil cũng bị cắt giảm.

OECD cũng đưa cảnh báo rằng lạm phát và tỷ lệ lãi suất thấp bất thường có thể làm tăng nguy cơ bất ổn tài chính toàn cầu. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao ở nhiều quốc gia, bất chấp bức tranh tăng trưởng được cải thiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.