Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ngày 2/8 đã công bố số liệu về tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2/2020 của 13 trong 36 thành viên tổ chức này cũng như 6 nền kinh tế lớn khác gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Indonesia, Brazil và Nam Phi.
Theo số liệu của OECD, Trung Quốc hiện đứng đầu danh sách 14 nền kinh tế lớn về tăng trưởng với GDP quý 2/2020 ghi nhận mức tăng trưởng 11,5% so với quý trước đó. Giới chuyên gia đánh giá, kinh tế Trung Quốc dường như đã vượt qua giai đoạn chạm đáy và bắt đầu vào giai đoạn phục hồi.
Giáo sư Hassan Akram tại Đại học Diego Portales (Chile) nhận định các biện pháp khống chế dịch bệnh nghiêm ngặt của Chính phủ Trung Quốc khiến kinh tế nước này suy yếu nhưng đây chỉ là tác động trong ngắn hạn. Nước này có thể được hưởng lợi nếu có thể mở cửa nền kinh tế trong giai đoạn nửa cuối năm nay.
[Reuters: Viễn cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm do dịch COVID-19]
Đứng thứ hai là Hàn Quốc mặc dù GDP của nước này giảm 3,3% so với quý 1/2020, hơn cả Mỹ, Đức và Pháp. Thứ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc Kim Yong-beom nhận định kinh tế nước này có dấu hiệu cải thiện tích cực và gia tăng khả năng phục hồi kinh tế trong quý 3/2020.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Angana Banerji tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ phục hồi và đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2021, sau khi thu hẹp 2,1% trong năm nay, giữa bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Trong khi đó, GDP quý 2/2020 của Mỹ sụt giảm 9,5% so với quý trước đó. Tại châu Âu, do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Đức, Pháp và Tây Ban Nha còn ghi nhận tỷ lệ GDP sụt giảm ở mức cao hơn, lần lượt là 10,1%, 13,8% và 18,5%.
Nếu tính cả 14 nền kinh tế lớn có tên trong danh sách thống kê của OECD thì GDP trung bình của nhóm các nước này trong quý vừa qua sụt giảm khoảng 9,5% so với quý liền kề trước đó./.