Các nước châu Âu, châu Mỹ đang nỗ lực phục hồi kinh tế, kiềm chế lạm phát ổn định đang tạo điều kiện cho ngành chế biến và suất khẩu cao su Việt Nam phát triển.
Các chuyên gia ngành cao su nhìn nhận biến động tăng của giá cao su từ cuối năm 2021 đến nay đã tạo sự phấn khởi cho cả người trồng cao su và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cao su.
Sự tăng giá này giúp cho ngành cao su Việt Nam tăng 28% giá trị.
Nhu cầu của các thị trường còn rất lớn
Theo thống kê hải quan, trong 6 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cao su ước đạt 1,54 tỷ USD, sản lượng 772.000 tấn, tăng hơn 8% về lượng và 28% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Thông tin từ Hiệp hội cao su Việt Nam, giá cao su xuất khẩu bình quân trong tháng 6/2022 đạt gần 1.700 USD/tấn.
Nhìn chung, trong những tháng đầu năm 2022, nhiều chủng loại cao su xuất khẩu đều tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
[Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 3 cho Hàn Quốc]
Trong các thị trường nhập khẩu cao su Việt Nam, Trung Quốc chiếm tới 99,7% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của Việt Nam, với sự gia tăng xuất khẩu cả về lượng và giá trị trong những tháng đầu năm.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc. Trong thời gian này, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu cao su từ một số thị trường như: Thái Lan, Việt Nam, Nhật Bản, Lào, Myanmar, Côte d'Ivoire... và Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với gần 1 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Mỗi tháng Trung Quốc tiêu thụ khoảng 500.000 tấn cao su tự nhiên, trong khi nguồn cung nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 115.000 tấn. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc khá lớn.
Tuy nhiên, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ cao su của Trung Quốc trong năm 2022.
Còn tại các thị trường khác như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Ấn Độ, dự báo tiếp tục xu hướng tăng nhờ kinh tế ở các thị trường này đang dần hồi phục sẽ là tín hiệu lạc quan cho việc xuất khẩu cao su Việt Nam.
Theo dự báo của Tổng cục Cao su Ấn Độ, trong năm 2022, sản lượng cao su thiên nhiên của nước này chỉ đạt 800.000 tấn trong khi nhu cầu tiêu thụ lên tới 1.240.000 tấn. Như vậy, Ấn Độ cần nhập khẩu 440.000 tấn cao su.
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên vẫn còn rất lớn, trong đó bao gồm cả nguồn nguyên liệu cao su có chứng chỉ bền vững FSC (Hội đồng quản lý rừng), ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia phân tích chính sách, thuộc tổ chức Forest Trends nhận định, tiêu thụ cao su trên thế giới đang có nhiều thay đổi.
Các quy định về tính hợp pháp và bền vững đối với nguồn cao su nguyên liệu đầu vào tạo sản phẩm ngày càng chặt chẽ. Bên cạnh đó, nhu cầu về cao su thiên nhiên bền vững đang hiện hữu tại Việt Nam.
Trên thế giới hiện có hai hệ thống chứng chỉ bền vững gồm: PEFC (Chương trình xác nhận chứng chỉ rừng) và FSC (Hội đồng quản lý rừng). Các tiêu chí FSC được coi là khắt khe hơn so với PEFC.
Việt Nam đã phát triển Hệ thống chứng chỉ rừng Quốc gia (VFCS). Hiện hệ thống này được PEFC công nhận. Đến nay, Việt Nam đã khó khoảng 97.300 ha diện tích cao su đạt chứng chỉ VFCS. Toàn bộ diện tích này của các công ty cao su nhà nước.
Với những diện tích được cấp hệ thống chứng chỉ này, tuy còn thấp so với tổng diện tích cao su của cả nước, nhưng cũng góp phần thúc đẩy ngành cao su tăng thêm sự cạnh tranh, đưa giá cao su tăng cao tương xứng với chất lượng.
Chuẩn bị nguồn nguyên liệu
Theo thống kê của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRG), diện tích cao su của Việt Nam năm 2021 đạt gần 939.000ha; trong đó, phần diện tích tiểu điền chiếm khoảng một nửa. Phần còn lại là diện tích của các công ty, với diện tích của các công ty nhà nước (quốc doanh) chiếm gần 40%, công ty tư nhân chiếm gần 10%.
So với nhu cầu ngày càng tăng của các quốc gia sau khi phục hồi kinh tế, sản lượng cao su thiên nhiên trên thế giới chỉ đạt hơn 13,8 triệu tấn trong năm 2021, trong khi nhu cầu của toàn thế giới là hơn 14 triệu tấn.
Như vậy nguồn nguyên liệu cao su bị thiếu lên tới khoảng 200.000 tấn. Nguồn cung cao su toàn cầu đang tiếp tục thiếu hụt so với nhu cầu và sẽ gia tăng thiếu hụt trong những năm tiếp theo cho đến năm 2028, thậm chí có thể kéo dài đến năm 2031 do khoảng cách cung và cầu ngày càng lớn, đại diện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) dự báo.
Để ngành cao su Việt Nam tiếp bước phát triển, trong 6 tháng đầu năm nay, nguồn nguyên liệu cao su, đặc biệt là nguồn nguyên liệu cao su bền vững luôn được các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cao su chú trọng.
Chính vì vậy, song song với vườn cao su hiện hữu, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cao su đã có chiến lược liên kết chặt chẽ với các hộ trồng cao su tiểu điền, thu mua nguyên liệu mủ cao su với giá cao hơn thị trường 5-10%.
Theo ông Lại Minh Xuân, Giám đốc Xí nghiệp chế biến cao su, thuộc Công ty Cao su Bình Thuận chia sẻ, khi doanh nghiệp thu mua nguyên liệu mủ cao su của các hộ cao su tiểu điền, doanh nghiệp luôn tiến hành thanh toán cho các hộ trồng thời gian nhanh nhất, để khích lệ tinh thần sản xuất và liên kết của các hộ cao su tiểu điền.
Đồng thời, để giúp các hộ cao su tiểu điền tăng năng suất và chất lượng mủ cao su, các doanh nghiệp cũng đã chủ động nghiên cứu và cung ứng cho bà con các loại giống chuẩn, chất lượng, năng suất, lợi nhuận cao cho bà con trồng cao su tiểu điền. Qua đó, giúp doanh nghiệp tạo vùng nguyên liệu ổn định, quản lý được chất lượng mủ, tiến tới phát triển thị trường.
Mỗi địa phương có sản xuất cây cao su, hầu như các hộ trồng cao su tiểu điền đều mong muốn cây cao su năng suất cao, được giá. Chính vì vậy, việc liên kết với doanh nghiệp là một niềm phấn khởi của nông dân trồng cao su.
Bà Rơ Châm H’Bưn, ở làng Kênh Chop, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai chia sẻ, gia đình có 2,5ha cao su, việc cạo mủ cao su rất vất vả, bắt đầu từ 2 giờ sáng và kết thúc lúc 6 giờ sáng mỗi ngày.
Tuy nhiên, sự vất vả này được đền đáp khi số lượng mủ được Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh thu mua với giá cao hơn thị trường. Sau khi trừ các chi phí, bà thu nhập 35 triệu đồng/ha. Năm nay, giá cao su tăng hơn, nên lợi nhuận có thể tăng lên khoảng 40 triệu đồng/ha.
Với mỗi lĩnh vực trong ngành nông nghiệp đều cần có nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến, từ đó các doanh nghiệp mới có thể ký kết các hợp đồng xuất khẩu.
Với những cảnh báo nguồn cũng cao su đang thiếu hụt, thì nguồn nguyên liệu chính là trọng tâm của sản xuất và xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm của ngành cao su Việt Nam.
Để có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 3,5 tỷ USD như đã đề ra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp trong ngành cao su đang tiến tới liên kết chặt chẽ với các hộ cao su tiểu điền mới có thể đảm bảo sản xuất, đáp ứng mục tiêu./.