Ổn định tiền tệ để chống lạm phát: Lựa chọn nào cho Venezuela?

Một số nhà phân tích lo ngại rằng chính phủ đang "đốt cháy" dự trữ ngoại hối, nhưng trên thực tế, dự trữ đồng USD tăng lên nhờ sự gia tăng nguồn thu từ dầu mỏ của Venezuela do giá dầu thô tăng.
Ổn định tiền tệ để chống lạm phát: Lựa chọn nào cho Venezuela? ảnh 1(Nguồn: Reuters)

Nền kinh tế Venezuela đã rơi vào suy thoái trong suốt tám năm, trong đó có bốn năm siêu lạm phát, và giá trị đồng nội tệ rơi tự do.

Nhưng cuối cùng đồng bolivar đã duy trì ổn định kể từ tháng 10/2021 đến nay, nhờ khoản đầu tư 2,2 tỷ USD của Nhà nước nhằm giảm áp lực lạm phát ở quốc gia Nam Mỹ này.

Những tín hiệu sáng của nền kinh tế

Năm ngoái, lạm phát của Venezuela ở mức 686% - tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Đáng chú ý, con số này đã ghi nhận sự cải thiện đáng kể so với mức 130.000% của năm 2018, 9.585% năm 2019 và 3.000% năm 2020.

Theo công ty tư vấn Aristimuno Herrera & Associates, Ngân hàng trung ương Venezuela đã bơm 2,2 tỷ USD vào thị trường nội địa trong giai đoạn 2021-2022.

Do bị chính phủ cấm sử dụng trong suốt 15 năm, đồng USD đã trở nên vô cùng khan hiếm và đắt đỏ. Đồng bạc xanh được giao dịch trên thị trường “chợ đen” với giá cao hơn đáng kể so với tỷ giá hối đoái chính thức. Đối mặt với khủng hoảng dòng tiền, chính phủ buộc phải dỡ bỏ lệnh cấm vào năm 2019.

Cesar Aristimuno, Giám đốc Aristimuno Herrera & Associates, nhận định rằng: “Việc cung cấp thêm USD ra thị trường sẽ tạo ra sự ổn định trong tỷ giá hối đoái.”

Ngân hàng trung ương Venezuela đã thừa nhận 29 lần "can thiệp" vào thị trường tiền tệ kể từ tháng 10/2021, mặc dù không đưa ra chi tiết về số tiền.

[Kinh tế Venezuela tăng trưởng trở lại sau 8 năm suy thoái]

Tháng Mười năm ngoái, ngân hàng đã tạo ra một đồng bolivar mới trị giá bằng 1 triệu đồng bolivar cũ, với chính phủ cho biết động thái này nhằm cải thiện niềm tin vào đồng nội tệ. Đồng thời, các nhà chức trách cũng áp thuế 3% đối với các giao dịch ngoại tệ và tiền điện tử.

Kể từ tháng 10/2021, tỷ giá của đồng bolivar so với USD chỉ tăng nhẹ từ 4,18 bolivar đổi 1 USD, lên mức 4,32 bolivar đổi 1 USD, tức là giá trị đồng bolivar chỉ giảm 3,24%. Đây là kết quả đáng hoan nghênh, nếu so với mức giảm giá trị 76% vào năm 2021 và hơn 95% trong ba năm trước đó.

Thêm vào đó, GDP của Venezuela đã tăng 4% vào năm 2021, sau khi giảm tổng cộng hơn 80% trong suốt 8 năm suy thoái kinh tế.

Sự ổn định liệu có thể duy trì?

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng nền kinh tế của Venezuela có quy mô quá nhỏ để có thể áp dụng một chính sách (bơm tiền) như vậy. Vấn đề là Venezuela có thể duy trì biện pháp này trong bao lâu.

Một số nhà phân tích lo ngại rằng chính phủ đang "đốt cháy" dự trữ ngoại hối của họ, nhưng trên thực tế, dự trữ đồng USD tăng lên nhờ sự gia tăng nguồn thu từ dầu mỏ của Venezuela do giá dầu thô tăng và sản lượng dầu bị hạn chế.

Ổn định tiền tệ để chống lạm phát: Lựa chọn nào cho Venezuela? ảnh 2Đồng tiền giấy bolivar của Venezuela tại Ngân hàng Trung ương ở thủ đô Caracas. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tập đoàn dầu khí quốc doanh PDVSA sản xuất hơn 3 triệu thùng/ngày trong năm 2014 nhưng con số này đã giảm xuống còn 400.000 thùng/ngày sau 6 năm. Theo số liệu của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), sản lượng của PDVSA hiện đã tăng lên 680.000 thùng/ngày.

Ngân hàng trung ương Venezuela cho biết họ đang có 10,8 tỷ USD dự trữ, con số này chỉ bằng một nửa so với năm 2014 và 1/3 so với năm 2007.

Tuy nhiên, ngân hàng trung ương vẫn đang tính cả 5 tỷ USD mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đáng lẽ đã phân bổ để giúp nước này giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19, nhưng sau đó khoản tiền này đã bị rút lại do những vấn đề liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống năm 2018.

Vào năm 2018, chính phủ đã cố gắng giải quyết lạm phát bằng cách yêu cầu các ngân hàng giữ 85% dự trữ trong ngân hàng trung ương nhằm hạn chế việc in tiền. Điều này đã làm giảm tín dụng, khiến đầu tư giảm mạnh và đồng bolivar rơi tự do.

Khi nhận ra tín dụng, đầu tư và tăng trưởng có liên quan mật thiết với nhau, Chính phủ Venezuela đã cho phép các ngân hàng cung cấp các khoản vay bằng đồng USD trong một số điều kiện nhất định và giảm dự trữ bắt buộc xuống 73%.

Dù vậy, quốc gia Nam Mỹ này vẫn còn đối diện với nhiều thách thức để có thể thúc đẩy tăng trưởng trong khi giữ lạm phát trong tầm kiểm soát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.