Ông David Thorne: Việt Nam có dân số trẻ, năng động, nhiệt huyết

Cố vấn cao cấp Ngoại trưởng Hoa Kỳ David Thorne cho rằng Việt Nam có dân số trẻ, có tài, năng động, nhiều nhiệt huyết, cho nên việc quan trọng là làm sao phát huy được tiềm năng đó.
Ông David Thorne: Việt Nam có dân số trẻ, năng động, nhiệt huyết ảnh 1(Ảnh minh họa: An Hiếu/TTXVN)

Ngày 7/3, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức sự kiện kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam​-Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Sau hội thảo, Cố vấn cao cấp Ngoại trưởng Hoa Kỳ, David Thorne và Phái đoàn Hoa Kỳ gồm các nhà lãnh đạo của 6 công ty đã gặp gỡ báo chí.

Tại họp báo, ông David Thorne cho biết, nhiệm vụ trọng tâm công tác lần này là việc thúc đẩy tinh thần kinh doanh, sáng tạo.

Chương trình là một phần nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ 10 quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là một trong những kết quả của Hội nghị thượng đỉnh tại Sunnylands vào tháng 2 vừa qua do Tổng thống B​arack Obama khởi xướng.

Theo đó, chuyến công tác của đoàn lần này thực hiện tại 3 nước ASEAN, bắt đầu từ Indonesia, tới Việt Nam và Philippines.

Ông David Thorne cho biết, với việc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, ông hiểu được thách thức trong lĩnh vực kinh doanh và sáng tạo hiện nay ở Việt Nam; khi giao lưu, tương tác với các doanh nhân trẻ ở Việt Nam, ông cũng thấy rõ sự sôi động, tràn đầy năng lượng của giới trẻ. Ông cho rằng điều này sẽ góp phần tạo ra một hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh ở Việt Nam.

"Chúng tôi đã có những cơ hội tìm hiểu về việc xây dựng hệ sinh thái kinh doanh ở Việt Nam cũng như là sự tiếp cận của các doanh nghiệp đối với các nguồn đầu tư, kể cả thách thức cần vượt qua, nhất là về nguồn nhân lực. Chúng tôi vui khi có những chương trình như thế này để thúc đẩy quan hệ cũng như là sự liên kết giữa cộng đồng doanh nhân của Hoa Kỳ và Việt Nam để cùng tiến tới tương lai,” Cố vấn cao cấp Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhận xét.

Chia sẻ về sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ để thúc đẩy hệ thống giáo dục tại Việt Nam, ông David Thorne cho biết: “Chúng tôi vui mừng thông báo dự án liên quan đến Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry về việc ủng hộ mở Trường đại học Fulbright ở Việt Nam. Quá trình thành lập đang tiến đến giai đoạn cuối cùng, khi được phê chuẩn thành lập trường ở Thành phố Hồ Chí Minh thì đây sẽ là nơi giúp đào tạo ra những thế hệ tương lai có những kiến thức, kỹ năng cần thiết để có thể giúp Việt Nam phát triển, cạnh tranh tốt trên toàn cầu.”

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề tài chính có phải là khó khăn lớn nhất đối với các doanh nhân trẻ trong việc kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo, ông David Thorne cho biết: "Nói chung, khó khăn về tài chính luôn là vấn đề lớn và thường trực không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác, nhưng ở Việt Nam càng khó khăn hơn vì chưa xây dựng được quy trình đầu tư mạo hiểm để có hệ thống đầu tư mạo hiểm hiệu quả.

Khi gặp lãnh đạo cơ quan hữu quan Việt Nam chúng tôi đã gợi ý một số khả năng có thể giúp đỡ. Tất nhiên ban đầu phải bằng việc có ý tưởng mạnh, suy nghĩ thấu đáo và đam mê với ý tưởng đó. Sau đó tới việc trình bày với nhiều đối tượng, những nhà đầu tư tiềm năng. Quá trình này rất dài, khó khăn và đôi lúc có cả thất vọng nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam.”

Về vấn đề này, ông Sheel Tyle đến từ tổ chức New Enterprise Associates, là nhà đầu tư mạo hiểm trong đó có dịch vụ taxi Uber cho rằng: "Tỷ lệ chấp nhận đầu tư mạo hiểm của tổ chức mình quản lý không quá 1%, tức là 100 ý tưởng được trình bày thì chỉ chấp nhận tối đa 1 ý tưởng để đầu tư.

Đây là một vấn đề khó khăn không chỉ ở Việt Nam. Đối với Việt Nam, chúng ta nên tìm nguồn lực sẵn có. Việt Nam cũng như ASEAN luôn có những quỹ dành cho công tác này nên chúng ta phải chủ động đi tìm. Còn đối với các doanh nhân, trước khi tìm nguồn đầu tư thì phải sử dụng nguồn lực của mình trước khi đi tìm nguồn đầu tư khác. Điều này còn thể hiện sự nghiêm túc của mình."

Chia sẻ về những bài học rút ra trong phát triển công nghệ thị trường Hoa Kỳ, ông David Thorne cho rằng, việc đầu tiên rất quan trọng là phải có môi trường chính sách thuận lợi để phát triển khối kinh doanh.

“Việc quan trọng đầu tiên là chúng ta phải có những cơ chế chính sách về tài chính, hệ thống giáo dục, làm sao để kiến thức từ hệ thống giáo dục ra tới được khu vực kinh doanh. Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hệ thống về phát minh sáng chế phải mạnh và rõ ràng. Chúng ta cần có cơ chế trọng tài kinh tế hoạt động nhanh, hiệu quả và công bằng.

Những điều này rất quan trọng trong thúc đẩy hệ sinh thái kinh doanh phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Những gì Việt Nam đang có hiện rất tốt, đó là vấn đề về dân số trẻ, có tài, năng động, nhiều nhiệt huyết. Những cái đó rất là quan trọng không gì thay thế được cho nên việc quan trọng là làm sao phát huy được tiềm năng đó. Nếu có những cơ chế, chính sách, luật pháp rõ ràng thì những tiềm năng đó tự mình sẽ phát triển thêm."

Về vấn đề này, bà Deborah Magid, phụ trách quan hệ với các nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư khắp thế giới, đến từ hãng IBM cho biết đây là chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam, bà sẽ số gắng hết mình để làm những gì có thể giúp đỡ cộng đồng doanh nhân Việt Nam cũng như trong lĩnh vực sáng tạo.

Theo bà Deborah Magid, gần đây có nhiều trường đại học làm việc với doanh nghiệp lớn để đưa ra những chương trình thương mại hóa những công trình nghiên cứu về khoa học công nghệ.

Ngoài ra, những cuộc thi thuyết trình ý tưởng của các sinh viên và các doanh nghiệp tới thăm các trường đại học để tương tác với sinh viên, từ đó khuyến khích tuổi trẻ cho ra những ý tưởng hay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.