Ông Dương Thanh Bình tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau khóa XV

Ông Dương Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau khóa XIV tái đắc cử làm Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau khóa XV, nhiệm kỳ 2015-2020.
Ông Dương Thanh Bình tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau khóa XV ảnh 1Ông Dương Thanh Bình Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, nhiệm kỳ 2015-2020. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, ngày 24/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XV nhiệm kỳ 2015-2020 đã bế mạc.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 52 người; bầu Ban Thường vụ gồm 15 người. Ông Dương Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau khóa XIV tái đắc cử làm Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau khóa XV, nhiệm kỳ 2015-2020.

Đại hội cũng đã bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng gồm 16 người.

Trong diễn văn bế mạc đại hội, ông Dương Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau kêu gọi toàn đảng, quân dân trong tỉnh ra sức thi đua sản xuất, lao động, sản xuất, công tác. Trước mắt các cấp ủy Đảng trên địa bàn tỉnh cần có chương trình hành động cụ thể nhằm sớm đưa nội dung nghị quyết đi vào cuộc sống và có sức lan tỏa.

Về mục tiêu tổng quát, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XV xác định: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy đảng; xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, kỷ cương, tăng cường đoàn kết, đổi mới, khai thác hiệu quả tiềm năng, nguồn lực, thế mạnh.

Cà Mau tiếp tục thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển toàn diện chiều rộng và chiều sâu; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các ngành, lĩnh vực; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; mở rộng quan hệ đối ngoại.

Cà Mau phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Các đại biểu dự Đại hội đã biểu quyết thông qua các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, đến năm 2020, cơ cấu kinh tế ngư-nông-lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh chiếm 23%; công nghiệp, xây dựng chiếm 31%, dịch vụ chiếm 43%... Thu nhập bình quân đầu người đạt 3.000 USD; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%; 50% số xã nông thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn Đảng bộ kết nạp 10.000 đảng viên mới…

Để hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra, Đại hội xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm. Một là, tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham những, lãng phí, quan liêu.

Hai là, thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện có hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược; khai thác tốt, phân bổ hợp lý các nguồn lực phát triển xã hội; phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp chế biến.

Có chính sách đột phá phát triển vùng kinh tế nội địa, nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế khu vực hệ sinh thái mặn, ngọt, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển vùng kinh tế ven biển và kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền đất nước; thu hút đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ, du lịch; chú trọng xây dựng và chỉnh trang đô thị thành phố Cà Mau, các đô thị ven biển như thị trấn Sông Đốc, Cái Đôi Vàm, Khánh Hội…

Ba là, tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong tình hình mới.

Bốn là, tập trung giải quyết hiệu quả những bức xúc của xã hội, tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, gắn với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Đại hội cũng đã thông qua nhiều giải pháp, trong đó giải pháp được ưu tiên hàng đầu là phát triển ngư-nông-lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới...

Cà Mau cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao ở vùng sản xuất tập trung kết hợp với nuôi tôm quảng canh cải tiến theo hướng bền vững; phát triển mạnh nuôi tôm sinh thái ở vùng rừng ngập mặn.

Tỉnh thực hiện tốt chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn, diện tích lúa hữu cơ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Đồng thời, tỉnh cũng tập trung các nguồn lực đầu tư khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển, bãi bồi; bảo vệ tốt rừng đặc dụng gắn với phát triển du lịch sinh thái; quy hoạch chuyển đổi khu vực rừng kinh tế trồng tràm truyền thống kém hiệu quả sang trồng rừng thâm canh có giá trị kinh tế cao, gắn với chế biến, tiêu thụ các sản phẩm gỗ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục