Ông Joe Biden sắp công bố kế hoạch cứu trợ kinh tế mới

Ông Biden sẽ thúc giục Quốc hội Mỹ nhanh chóng đưa ra các nỗ lực "giải cứu" nền kinh tế chịu tác động từ đại dịch COVID-19, trước khi chuyển sang các biện pháp "phục hồi" rộng lớn hơn.
Ông Joe Biden sắp công bố kế hoạch cứu trợ kinh tế mới ảnh 1Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cố vấn kinh tế hàng đầu trong chính quyền mới của nước Mỹ cho biết Tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 14/1 (theo giờ địa phương) sẽ thúc giục Quốc hội Mỹ nhanh chóng đưa ra các nỗ lực "giải cứu" nền kinh tế chịu tác động từ đại dịch COVID-19, trước khi chuyển sang các biện pháp "phục hồi" rộng lớn hơn như chăm sóc sức khỏe người dân và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thông tin trên được ông Brian Deese, người sẽ đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia trong chính quyền mới của ông Biden đưa ra khi trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters (Anh) ngày 13/1.

Cũng theo ông Deese, Tổng thống đắc cử Biden sẽ đưa ra một kế hoạch kinh tế “song tuyến.”

[Nhiệm kỳ của ông Biden: Kỷ nguyên mới hay chỉ là một sự cách quãng?]

Đầu tiên sẽ là tuyến giải cứu, trong đó bao gồm nỗ lực đạt được khoản thanh toán 2.000 USD cho người dân nhằm giúp họ vượt qua giai đoạn suy thoái vì COVID-19.

Bên cạnh đó là nỗ lực phục hồi dài hạn hơn nhằm thực hiện kế hoạch “Build Back Better” (Xây lại nước Mỹ tốt đẹp hơn) mà ông Biden đã đặt ra trong thời gian tiến hành chiến dịch tranh cử.

Ông cho biết nhóm chuyển tiếp đã bắt đầu thông báo với các nhà lập pháp cấp cao của đảng Dân chủ và Cộng hòa về đề xuất này và sẽ công bố chúng vào ngày 14/1.

Đề xuất sẽ bao gồm các khoản thanh toán trực tiếp cho người dân, khoản tài chính để tăng cường nỗ lực tiêm chủng quốc gia, xét nghiệm, truy vết người nhiễm, cùng các khoản tài trợ để hầu hết các trường học có thể sớm mở cửa trở lại.

Trong bài phỏng vấn, ông Deese chỉ ra báo cáo việc làm gần đây nhất của Mỹ, trong đó cho thấy nền kinh tế đã mất 140.000 việc làm trong tháng 12/2020. Đây là lần giảm việc làm đầu tiên kể từ tháng Tư năm ngoái của nước này.

Ông Deese coi đó như một lời cảnh báo cần phải lưu ý về cả tình hình dịch bệnh lẫn hướng đi của nền kinh tế.

Quốc hội Mỹ hồi tháng trước đã thông qua một gói cứu trợ trị giá khoảng 900 tỷ USD, trong đó có khoản thanh toán 600 USD/người trực tiếp cho người dân Mỹ. Nhưng Thượng viện Mỹ đã chặn nỗ lực tăng mức thanh toán đó lên 2.000 USD/người.

Tổng thống đắc cử Joe Biden cho biết khoản chi 600 USD/người là không đủ và khẳng định chính phủ mới sẽ dành sự quan tâm đặc biệt cho các doanh nghiệp nhỏ, cung cấp những biện pháp hỗ trợ để giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra.

Ngoài ra, ông Biden cũng cam kết sẽ thắt chặt quản lý để ngăn chặn tình trạng gian lận trong việc nhận hỗ trợ từ chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.