Ông Lê Tiến Châu được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Tư pháp

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Lê Tiến Châu giữ chức Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
Ông Lê Tiến Châu được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Tư pháp ảnh 1Ông Lê Tiến Châu. (Nguồn: Cổng thông tin Bộ Tư pháp)

Ngày 16/6, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Lê Tiến Châu giữ chức Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

Trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Tư pháp, ông Lê Tiến Châu từng giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Tư pháp; Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội.

Cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Trương Hòa Bình đã làm việc với Bộ Tư pháp về kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm.

Sáu tháng đầu năm, ngành Tư pháp đã khẩn trương triển khai toàn diện các mặt công tác, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được chú trọng, nâng cao chất lượng. Việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện một số văn bản hết hiệu lực thi hành hoặc không còn phù hợp. Về kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp đã tham gia ý kiến đối với hơn 300 thủ tục hành chính tại gần 50 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đề nghị không quy định 50 thủ tục không cần thiết, sửa đổi 250 thủ tục không hợp lý.

Kết quả thi hành án dân sự, số thi hành xong tính cả về số việc và số tiền đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Liên quan đến công tác bồi thường nhà nước, trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý 69 vụ việc, giải quyết xong 25 vụ việc. Số tiền Nhà nước phải bồi thường là hơn 8,6 tỷ đồng...

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã phản ánh những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp công tác, nhất là trong lĩnh vực giám định tư pháp, trợ giúp pháp lý, thi hành án, xử lý tài sản đảm bảo…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận, biểu dương ngành tư pháp đã chủ động, kịp thời tham mưu giúp Quốc hội, Chính phủ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tới nay về cơ bản các lĩnh vực đời sống xã hội đều có luật điều chỉnh.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh dấu ấn đậm nét là Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan tham mưu giúp Chính phủ chủ trì, phối hợp xây dựng chỉnh lý trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nhiều dự án luật, pháp lệnh quan trọng, được coi như "rường cột" của hệ thống pháp luật như Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Xử lý vi phạm hành chính....

Đặc biệt, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được thông qua với những đổi mới căn bản về quy trình, thủ tục và trách nhiệm xây dựng pháp luật của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, qua đó thiết lập hệ thống pháp luật đơn giản hơn, minh bạch hơn, tạo môi trường pháp lý bình đẳng, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

Công tác tham mưu giúp Chính phủ trong việc thẩm định tính hợp hiến, hợp pháp của các dự thảo luật, pháp lệnh trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo gắn kết với công tác kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật, chú trọng tới tính dự báo của chính sách, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của văn bản quy phạm pháp luật...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nắm bắt những định hướng lớn đã được Đại hội XII của Đảng xác định, Chính phủ kiện toàn đã chuyển phương thức chỉ đạo điều hành sang Chính phủ kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân, trong đó khẳng định việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu để giải phóng và phát huy mạnh mẽ các nguồn lực cho công cuộc phát triển đất nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp cần chủ động hơn nữa trong việc tham mưu cho Chính phủ các giải pháp nâng cao chất lượng thể chế, tinh gọn và hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của nhân dân và thực tiễn xã hội, đảm bảo tính khả thi để thể chế thực sự là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của đất nước, phù hợp với yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo phục vụ nhân dân và doanh nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tới công tác quản trị đất nước bằng pháp luật, tiếp tục đổi mới công tác lập pháp và cải cách tư pháp theo yêu cầu và nguyên tắc nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa gắn với cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại. Ngành nghiên cứu để có bước đi, lộ trình phù hợp trong việc xã hội hóa một số dịch vụ trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật, đảm bảo phù hợp với đường lối chủ trương của Đảng.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Tư pháp hoàn thành chỉ tiêu thi hành án, có kế hoạch, giải pháp để giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, trong đó đặc biệt lưu ý các vụ án tham nhũng, nhằm thu hồi tài sản nhà nước, các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng.

Bộ thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở nhằm hạn chế xảy ra khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, làm phức tạp tình hình; nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp; xã hội hóa với lộ trình phù hợp việc cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục