Sau 3,5 ngày làm việc, chiều 26/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã bế mạc.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 49 người.
Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 người.
Ông Trần Văn Rón, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Ông Trần Văn Rón, sinh ngày 01/11/1961, quê quán xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long; trình độ chuyên môn: Tiến sỹ Triết học, cử nhân kinh tế, cử nhân Luật; trình độ chính trị: cử nhân chính trị.
Trong quá trình công tác, ông đã đảm nhiệm các chức vụ: Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm, Ủy viên Thường vụ Thường trực Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Tháng 3/2015, ông được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long nhiệm kỳ 2010-2015.
Tháng 10/2015, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), ông Trần Văn Rón tái đắc cử chức danh Bí thư Tỉnh ủy.
[Khai mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2020-2025]
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI đã bầu ông Bùi Văn Nghiêm (sinh năm 1966), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long nhiệm kỳ 2015-2020, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh và ông Lữ Quang Ngời (sinh năm 1972), Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long tiếp tục giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025.
Hội nghị bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Long gồm 9 người, trong đó ôngPhạm Văn Bé Tư làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Đại hội cũng đã bầu Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long gồm 17 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đại hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, với 24 chỉ tiêu chủ yếu và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.
Tỉnh Vĩnh Long tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tiếp tục thực hiện cơ cấu kinh tế “Nông nghiệp; công nghiệp-xây dựng và thương mại-dịch vụ.”
Đại hội đề ra 3 khâu đột phá là tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và lao động có tay nghề cao.
Tỉnh tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp và du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào đô thị, thương mại, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch.
Trong nhiệm kỳ mới, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu thực hiện tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP giá so sánh) tăng bình quân hàng năm 6%; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đến năm 2025 đạt 82,6 triệu đồng; Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hàng năm 2,1%, trong đó thu nội địa tăng bình quân hàng năm 5%; Tổng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 870 triệu USD; Huy động vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 5 năm 2021-2025 đạt 83.000 tỷ đồng.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có 74 xã và 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó có 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngoài ra, tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 1% (theo tiêu chí mới); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến năm 2025 đạt 95% dân số; hàng năm có từ 93% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên...
Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh Vĩnh Long xác định động lực phát triển giai đoạn 2021-2025 là tập trung phát triển các lĩnh vực trọng điểm như: phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng và năng suất cao; tập trung phát triển du lịch sinh thái gắn du lịch văn hóa, tâm linh, làng nghề truyền thống và du lịch nghỉ dưỡng; đẩy mạnh việc nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông quan trọng nhằm tăng cường kết nối với các thành phố lớn; xây dựng thành phố Vĩnh Long trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh tập trung cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu phát triển...
Phát biểu bế mạc Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón nhấn mạnh Đại hội kêu gọi toàn Đảng bộ, quân và dân tỉnh Vĩnh Long đoàn kết một lòng, năng động, sáng tạo, tận dụng tốt mọi thời cơ, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành mục tiêu “Xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh; huy động mọi nguồn lực, đổi mới, sáng tạo, đưa tỉnh Vĩnh Long phát triển nhanh và bền vững”./.