Truyền thông là cách tốt nhất góp phần lan tỏa những hình ảnh đẹp của đất nước, con người Việt Nam cũng như đóng góp tích cực cho ngành du lịch cải thiện những khuyết thiếu, hạn chế. Song, ngành kinh tế không khói nước nhà muốn phát triển bền vững thì cần “nhạc trưởng” cho con đường truyền thông luôn đi đúng quỹ đạo.
Về câu chuyện truyền thông du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, đã có những chia sẻ quan điểm của người đã hơn 50 năm gắn bó với hoạt động du lịch.
Mỗi nơi truyền thông một hướng
- Thưa ông, có một thực tế là những biến động của du lịch thế giới sẽ luôn không ngừng ảnh hưởng đến các chính sách của Việt Nam, do đó việc truyền thông những chính sách du lịch là vô cùng quan trọng. Vậy ông đánh giá thế nào về công tác truyền thông này ở Việt Nam?
Ông Vũ Thế Bình: Du lịch đang có nhiều thay đổi, đặc biệt là sau COVID-19: Từ chính sách của Chính phủ có nhiều thay đổi tới sự chuyển mình của doanh nghiệp Việt Nam, hay việc khai mở những điểm du lịch mới… Nhưng vấn đề cuối cùng là phải mang lại cho xã hội những nhận thức mới gì về du lịch, nhiệm vụ của những người làm công tác truyền thông trong du lịch là vô cùng quan trọng.
Xưa nay chúng ta truyền thông riêng lẻ, không có “nhạc trưởng” để điều hành toàn bộ công tác truyền thông trong du lịch nên mỗi nơi làm một hướng. Điều này sẽ làm giảm tác động và sức ảnh hưởng của chính sách chung.
Ví dụ như visa mới là một chính sách hết sức tích cực và sẽ mang lại lợi tích to lớn. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu mỗi chính sách ra đời không thể có tác động ngay lập tức mà phải có một quá trình chuẩn bị, truyền thông và lan tỏa những ý nghĩa tích cực của nó đến với cộng đồng dân cư trong nước và quốc tế.
Thực tế, có những người cho rằng chính sách phải có tác động ngay lập tức, có người lại không tin tưởng chính sách mang lại lợi ích. Cho nên, cần phải thông qua truyền thông để liên kết các lực lượng xã hội, liên kết các tổ chức kinh tế với nhau thì mới đẩy mạnh được sự phát triển của du lịch.
Bản thân du lịch chỉ là ngành liên kết của các ngành khác với nhau. Vậy nếu không có sự ủng hộ của các ngành, các cấp, các địa phương thì du lịch có phát triển được không? Đôi khi, chúng ta hiểu du lịch là ngành độc lập nhưng cũng có khi nó lại là ngành phụ thuộc mà nếu không có sự chỉ đạo thống nhất trong truyền thông thì sẽ rất lãng phí. Đây cũng là điểm yếu của truyền thông trong du lịch.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ra cần bàn bạc, thống nhất với nhau kỹ hơn để mong rằng mỗi nhà báo, mỗi cơ quan truyền thông hãy phát huy những lợi thế của mình để truyền tải tính tích cực của công tác du lịch đến với cộng đồng, thúc đẩy du lịch Việt Nam sớm phục hồi, phát triển nhanh hơn, dần theo kịp các nước trong khu vực.
- Có quan điểm cho rằng truyền thông trong du lịch Việt Nam đang đi sau chứ không đón đầu hay mang tính dự báo, ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
Ông Vũ Thế Bình: Ý kiến đó rất đúng, bởi chúng ta rất chậm. Đôi khi truyền thông của chúng ta nặng về phê phán, nói những vấn đề tiêu cực nhiều hơn tích cực. Mặc dù đó là điều hết sức bình thường, nhưng giá kể truyền thông có thể vừa tìm ra mặt trái, gợi mở hướng khắc phục nhưng nêu bật được những mặt tích cực, tiêu biểu để làm gương thì sẽ tốt hơn rất nhiều.
Chúng tôi mong rằng những người làm công tác truyền thông nên khách quan hơn, đánh giá mọi việc rõ ràng, minh bạch hơn, nhìn ra bên cạnh những thiếu sót cả những mặt tích cực đằng sau đó, để những người làm du lịch có động lực lao vào cống hiến và làm tốt hơn nữa.
Đôi khi có những sự việc ngành du lịch đã làm rất tích cực, rất cố gắng nhưng chỉ một vài sơ suất nhỏ cũng có thể khiến dư luận thổi bùng thành ngọn lửa chê bai, cuối cùng khiến người trong ngành mất hết cả nhiệt huyết với nghề.
Du lịch là một ngành kinh tế nhưng lại bao hàm yếu tố văn hóa rất cao. Tôi cho rằng yếu tố tích cực trong công tác truyền thông cần phải được nêu lên hàng đầu để góp phần thúc đẩy các hoạt dộng du lịch, thúc đẩy doanh nghiệp cũng như người dân cùng chung tay phát triển Kinh tế Xanh. Chỉ cần sự đồng lòng quyết tâm, tình yêu đối với văn hóa Việt Nam, tình yêu thiên nhiên Việt Nam là có thể tâng tầm cho du lịch, sánh vai được với các nước.
Nhiều quốc gia có những tour du lịch tuyệt vời lại rẻ hơn của Việt Nam rất nhiều, bởi họ biết chia sẻ lợi ích giữa các nhóm doanh nghiệp, giữa các dịch vụ, thậm chí chia sẻ cả những khó khăn, trong khi chúng ta không làm được điều đó. Rất nhiều năm trước ngành du lịch cũng đã bàn về việc này nhưng rốt cuộc không làm được.
Điều này là bởi chúng ta không liên kết được với nhau, không gắn bó với nhau bằng những công việc cụ thể. Đến bây giờ, ngành du lịch vẫn loay hoay ở chỗ làm sao có thể có được những chương trình kích cầu mạnh mẽ, có những đợt khuyến mại sâu để có thể thu hút được khách. Khuyến mại ở đây không có nghĩa giảm giá mà khuyến mại là nâng cao chất lượng dịch vụ và làm cho khách hàng cảm thấy thỏa mãn, với đồng tiền bỏ ra họ được cung cấp những dịch vụ tốt nhất có thể.
Vẫn biết liên kết là khó, vì vậy chúng tôi rất kỳ vọng các cơ quan truyền thông hãy cố gắng thúc đẩy những yếu tốt tích cực, tạo ra sự liên kết chặt chẽ hơn, để người Việt hiểu được rằng nếu không liên kết được với nhau thì chúng ta phải cảm thấy xấu hổ. Một đất nước có bề dày văn hóa như thế, có truyền thống lâu đời như thế, tại sao lại không cùng chung tay thúc đẩy hoạt động du lịch trở nên tốt đẹp hơn?
Địa phương cần đẩy mạnh truyền thông du lịch
- Trong thông tin truyền thông về du lịch chủ yếu là về chính sách chung, lượng khách đến… còn thông tin về chính sách của các địa phương, điểm đến khá mờ nhạt. Vậy theo ông, các địa phương trên cả nước cần đẩy mạnh công tác truyền thông thế nào để nâng cao sức hấp dẫn cho điểm đến?
Ông Vũ Thế Bình: Về vấn đề này, tôi nghĩ rằng các địa phương còn phải làm rất nhiều việc, bởi sự phát triển của du lịch nằm ở các địa phương là chính. Các cơ quan chính quyền địa phương đóng vai trò vô cùng quan trọng, do họ trực tiếp quản lý các điểm du lịch, trực tiếp hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn mình. Nếu họ thờ ơ, không quan tâm đến truyền thông thì du lịch làm sao có thể phát triển được.
Cho nên, truyền thông phải đi thẳng vào những vấn đề cụ thể, chi tiết trong hoạt động du lịch của từng địa phương. Bên cạnh những điểm mạnh và hạn chế, chúng ta cũng cần giới thiệu cho du khách biết các chính sách hỗ trợ du lịch của địa phương.
Trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước có những tỉnh đưa ra được chính sách rất tốt. Ví dụ như Bình Định hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến trong và ngoài nước, mỗi doanh nghiệp một lần đi như vậy được cấp 30 triệu đồng. Hay vừa rồi Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành một Nghị quyết mới về hỗ trợ phát triển du lịch với những quy định hết sức chi tiết, cụ thể cho hoạt động của làng du lịch cộng đồng, homestay, điểm du lịch…
Tôi nghĩ rằng các địa phương chỉ có thể phát triển được du lịch nếu có những chính sách thật cụ thể, rõ ràng và dễ thực hiện.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.