Hội nghị Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), dự kiến diễn ra trong ngày 22/6 tại Vienna của Áo, để thảo luận về chính sách năng lượng của khối, đối mặt với bất đồng giữa các nước thành viên về sản lượng dầu.
Tranh cãi liên quan thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu trong 18 tháng, từ tháng 1/2017, giữa OPEC và các nước xuất khẩu dầu không thuộc tổ chức này.
Thỏa thuận này được cho là đã giúp tái cân bằng thị trường và đẩy giá dầu lên mức gần 80 USD/thùng hiện nay, từ 27 USD/thùng hồi năm 2016.
Saudi Arabia cho rằng đã đến lúc tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng cũng như nhân nhượng các nước tiêu thụ dầu nhiều như Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc đang kêu gọi hạ nhiệt giá dầu và hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu bằng cách bơm thêm dầu thô ra thị trường.
Trước thềm hội nghị, ngày 21/6, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh đã rút sớm khỏi một cuộc họp kỹ thuật với những người đồng cấp trong và ngoài OPEC, trong bối cảnh bất đồng với Saudi Arabia về vấn đề sản lượng.
Phát biểu với báo giới, ông Bijan Zanganeh cho rằng khó có thể đạt được thỏa hiệp về sản lượng dầu trong hội nghị ngày 22/6.
Nga - nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt không nằm trong OPEC - cũng đề xuất các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC tăng sản lượng thêm 1,5 triệu thùng/ngày, theo đó chấm dứt thỏa thuận cắt giảm sản lượng nói trên.
[Giá dầu châu Á giảm khi OPEC hướng đến tăng sản lượng]
Tuy nhiên, các thành viên OPEC gồm Iran, Iraq, Venezuela và Algeria phản đối đề xuất này quan ngại rằng giá dầu có nguy cơ suy giảm do dư nguồn cung.
Iran phản đối nới lỏng sản lượng trong bối cảnh ngành dầu mỏ nước này đang đối mặt với các biện pháp trừng phạt sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức), được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Theo giới phân tích, Riyadh - vốn đối địch với Tehran trong khu vực - tán thưởng động thái trên của Mỹ song đang chịu sức ép của Washington muốn tăng sản lượng để giảm giá dầu.
OPEC gồm 14 thành viên cùng 10 nước đối tác (được gọi là OPEC+) chiếm khoảng hơn 50% nguồn cung dầu của thế giới.
Theo thỏa thuận về cắt giảm nguồn cung trong 18 tháng, các nước này ban đầu nhất trí giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, OPEC cho rằng việc hạn chế sản xuất cùng với các yếu tố địa chính trị khiến sản lượng dầu thực tế giảm hơn nhiều, ở mức khoảng 2,8 triệu thùng/ngày.
Một số nguồn tin thân cận với cuộc họp sắp tới của OPEC nhận định sự thiếu thỏa hiệp giữa các nhà sản xuất ở vùng Vịnh đang làm gia tăng tính phức tạp của hội nghị ngày 22/6.
Các đồng minh truyền thống của Saudi Arabia, gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kuwait, Oman và Bahrain, cho rằng Saudi Arabia quá vội vàng khi hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ tăng sản lượng; đồng thời bày tỏ lo ngại về sự phối hợp của Saudi Arabia với Nga, nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt không phải là thành viên OPEC.
Phát biểu sau cuộc họp ngày 21/6, các bộ trưởng cho biết họ có thể đề xuất tăng sản lượng ở mức không đáng kể, có thể dưới 1 triệu thùng/ngày, tại cuộc họp của OPEC ngày 22/6 và cuộc họp của các đối tác không phải là thành viên OPEC vào ngày 23/6./.