OPEC chưa đủ lực đưa giá dầu về kỷ nguyên 100 USD mỗi thùng

Giới phân tích nhận định, với quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô đã được các thành viên nhất trí, OPEC vẫn chưa đủ lực để đưa thị trường dầu thô đến kỷ nguyên 100 USD/thùng mới.
OPEC chưa đủ lực đưa giá dầu về kỷ nguyên 100 USD mỗi thùng ảnh 1Máy bơm dầu ở Williston, Bắc Dakota, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tại cuộc họp ở Vienna (Áo) ngày 30/11, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã nhất trí cắt giảm sản lượng lần đầu tiên kể từ năm 2008. Tuy nhiên, theo giới phân tích, với quyết định cắt giảm sản lượng này, OPEC cũng chưa thể đưa thị trường dầu thô đến kỷ nguyên 100 USD/thùng mới.

Giá dầu thô ngay lập tức đã tăng 8% lên trên 50 USD/thùng, sau khi Saudi Arabia phát đi tín hiệu cho thấy nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất OPEC sẵn sàng cắt giảm sản lượng, đồng thời nước này đã đạt được sự đồng thuận của Iran về việc tham gia đầy đủ vào bất kỳ thỏa thuận cắt giảm sản lượng nào của tổ chức này.

OPEC - hiện chi phối hơn 1/3 sản lượng dầu thô toàn cầu - rốt cuộc đã giải quyết được bất đồng giữa Saudi Arabia với Iran và Iraq, qua đó tán thành đề xuất của nước thành viên Algeria giảm sản lượng đi 1,2 triệu thùng/ngày (khoảng 4,5%).

Giới phân tích cho rằng quyết định cắt giảm sản lượng này đạt được sự nhất trí trong nội bộ OPEC, trong khi các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ vẫn luôn sẵn sàng chờ dịp để tăng sản lượng.

Những bất ổn xung quanh vấn đề này khiến giới phân tích có lý do để tin rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà OPEC vừa đạt được có thể sẽ chỉ kéo dài sáu tháng.

Xét từ khía cạnh khác, cuộc chiến giá cả vốn đẩy giá dầu xuống ngưỡng hiện nay đã giúp OPEC phần nào đạt được mục tiêu tăng thị phần, do chi phí cao đã khiến nhiều nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC giữ nguyên hoặc giảm sản lượng. Thậm chí, ngay cả một số thành viên của OPEC cũng là những nạn nhân lớn nhất cuộc chiến giá cả này.

Đối với những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tài nguyên như Angola, Nigeria, Gabon và Algeria, việc dầu thô rớt giá mạnh đã nhanh chóng làm tiêu tan giấc mộng về một “châu Phi đang lên."

Những nước vốn chi tiêu mạnh tay như các nước Vùng Vịnh giờ đây phải áp dụng các biện pháp khắc khổ. Ngay cả Saudi Arabia - nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất OPEC - cũng đang đối mặt với thực trạng khó khăn của nền kinh tế, trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh hơn những gì mà họ đã lo ngại.

Nga - nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất nằm ngoài OPEC - đã bày tỏ sự ủng hộ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC, mặc dù sản lượng dầu thô của nước này hiện đã tăng lên mức cao nhất kể từ sau khi Liên Xô tan rã.

Trên thực tế, những vấn đề nằm bên ngoài OPEC mới là những vấn đề thực sự trong dài hạn mà tổ chức này phải đối mặt. Các công ty sản xuất dầu đá phiến ở Texas và North Dakota vốn trụ được trong cuộc chiến giá dầu giờ đây có khả năng xoay xở với mức giá thấp tốt hơn nhiều so với trước đây.

Điều này cũng có nghĩa rằng mức tăng giá dầu thô tích cực nhất mà OPEC hy vọng có thể có được sẽ chỉ là 10-15 USD/thùng, trước khi dầu đá phiến của Mỹ có thể bắt đầu được tung ra thị trường với khối lượng lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.