Các nước thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã kết thúc cuộc họp ngày 5/12 mà không thống nhất được về thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm giải tỏa sức ép lên giá dầu do dự trữ dồi dào và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
Các bộ trưởng OPEC đã bàn thảo về đề xuất giảm sản lượng mạnh hơn so với mức hiện nay là 1,2 triệu thùng/ngày, vốn được nhất trí vào tháng 12/2018 và được gia hạn tại cuộc họp hồi tháng 7/2019.
Tuy nhiên, sau hơn sáu giờ thảo luận, các phái đoàn tham dự cuộc họp đã không nhất trí được về các chi tiết của thỏa thuận phân bổ mức cắt giảm.
Phát biểu trong ngày 5/12, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, tại cuộc họp sơ bộ, các bộ trưởng đã đề xuất cắt giảm thêm 500.000 thùng/ngày trong quý I/2020.
Một số nhà quan sát cho rằng mức cắt giảm sản lượng mới sẽ phù hợp với Saudi Arabia do nước này đang tìm cách hỗ trợ kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng của Tập đoàn dầu khí quốc gia Aramco.
[Giá dầu trên thị trường châu Á đi lên trước thềm cuộc họp của OPEC]
Các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý đến các cuộc họp ngày 6/12 của các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC, trong đó có Nga, cũng như khả năng cắt giảm sản lượng hơn nữa. Nhóm OPEC+ đã cắt giảm sản lượng từ năm 2017 để đối phó với tình trạng sản lượng gia tăng mạnh từ Mỹ, quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới hiện nay.
OPEC hiện muốn cắt giảm sản lượng mạnh hơn nhưng cần có sự nhất trí của Nga và các nước sản xuất khác để tránh tình trạng dư cung trong năm tới, sau khi tăng trưởng nhu cầu chậm lại trong năm nay.
Theo các ước tính mới nhất của Mỹ, tổng dự trữ dầu mỏ của nước này hiện ở mức 452 triệu thùng.
Trong khi đó, giá dầu tương đối ổn định kể từ cuộc họp lần trước của OPEC, với giá dầu Brent dao động ở mức khoảng 60 USD/thùng./.