Các nguồn tin Kuwait cho biết Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, có thể cân nhắc mức tăng sản lượng khai thác dầu thô.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi, Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait Mohammad Abdulatif al-Fares đã tiết lộ thông tin này ngày 29/8, nói rằng mức tăng sản lượng dầu thô 400.000 thùng/ngày đã được OPEC+ thống nhất tại cuộc họp trước đó có thể được xem xét lại tại cuộc họp sắp tới, dự kiến diễn ra vào ngày 1/9 tới.
Ngoài ra, OPEC+, do Saudi Arabia và Nga đứng đầu, dự kiến sẽ thảo luận kế hoạch sản lượng trong vài tháng tới.
Phát biểu với báo giới tại một sự kiện ở thành phố Kuwait, Bộ trưởng al-Fares cho rằng trong bối cảnh các thị trường đang có dấu hiệu chậm lại và làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19 đã bắt đầu bùng phát ở một số khu vực, các nhà sản xuất của OPEC+ sẽ phải cẩn thận xem xét lại mức tăng đã thống nhất trong cuộc họp mới đây nhất.
Theo nhận định của ông, OPEC+ có thể sẽ dừng lại ở mức tăng 400.000 thùng/ngày.
Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait nói thêm nền kinh tế của các nước Đông Á và Trung Quốc vẫn đang chịu tác động của đại dịch COVID-19, do đó các nước này sẽ phải thận trọng hơn.
Mỹ đã kêu gọi OPEC+ nâng sản lượng dầu thô để giải quyết tình trạng giá xăng dầu leo thang mà Mỹ coi là mối đe dọa đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Đề cập đến lời kêu gọi này, Bộ trưởng al-Fares nói rằng các thành viên OPEC+ có quan điểm khác nhau về vấn đề này.
[Giá dầu thế giới tuần qua ghi nhận mức tăng cao nhất từ hơn 1 năm qua]
Ông cũng lưu ý OPEC, đặc biệt là các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), đã tổ chức các cuộc họp nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được quan điểm về cách xử lý vấn đề sản lượng.
Năm ngoái, OPEC+ đã thực hiện cắt giảm sản lượng ở mức kỷ lục gần 10 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 10% nhu cầu thế giới, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng giảm mạnh do các các nước áp dụng quy định về hạn chế đi lại hoặc phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Trung tuần tháng này, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu từ nay đến cuối năm sẽ tăng chậm hơn so với dự báo trước đó do biến thể Delta hoành hành, buộc chính phủ các nước tiêu thụ nhiều dầu mỏ trên thế giới phải thực hiện các biện pháp hạn chế hoạt động.
Theo báo cáo hằng tháng, cơ quan này dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2021 tăng thêm 5,3 triệu thùng/ngày lên 96,2 triệu thùng/ngày, giảm 300.000 thùng/ngày so với mức dự báo trước đó.
IEA quyết định hạ triển vọng về nhu cầu dầu mỏ từ nay đến cuối năm do tình hình dịch bệnh diễn biến xấu hơn.
Các biện pháp hạn chế để phòng dịch tại một số nước tiêu thụ nhiều dầu mỏ, đặc biệt ở châu Á, dự kiến sẽ khiến hoạt động đi lại cũng như lượng sử dụng dầu mỏ đi xuống.
Theo báo cáo, nhu cầu dầu mỏ tăng mạnh trong tháng 6 vừa qua do người dân tại Bắc Mỹ và châu Âu gia tăng hoạt động.
Tuy nhiên, xu hướng này đã đảo chiều vào tháng 7 khi biến thể Delta lây lan mạnh, làm gián đoạn hoạt động tại các nước Trung Quốc, Indonesia và nhiều nước khác ở châu Á./.