Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, ngày 20/2 cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, sẽ vẫn linh hoạt và có thể thay đổi chính sách sản lượng nếu các điều kiện thị trường thay đổi.
Phát biểu tại một hội nghị ở thủ đô Riyadh, ông Abdulaziz nhấn mạnh: "Chúng tôi đủ linh hoạt để điều chỉnh các quyết định của OPEC+ trong trường hợp cần thiết."
Phát biểu của ông Abdulaziz được đưa ra sau khi OPEC+ nhất trí giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng dầu hiện này là 2 triệu thùng/ngày tại cuộc họp hồi đầu tháng 2/2023. Cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Giám sát Chung cấp Bộ trưởng của OPEC+ dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 3/4 tới.
Tuần trước, OPEC đã nâng mức dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2023 thêm 100.000 thùng/ngày, giữa lúc khối này rất kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Trong báo cáo hàng tháng về thị trường dầu mỏ công bố mới đây, OPEC nêu rõ: "Chìa khóa cho tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2023 sẽ là sự trở lại của nền kinh tế Trung Quốc, sau khi những hạn chế nhằm chống dịch COVID-19 được bãi bỏ tại quốc gia Đông Bắc Á này."
[OPEC+ sẽ duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2023]
Tuy nhiên, OPEC cho rằng các yếu tố kinh tế như lạm phát cao, các chính sách thắt chặt tiền tệ, các mức nợ quốc gia và căng thẳng chính trị có khả năng làm suy yếu triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu.
Giá dầu Brent đã tăng lên gần 140 USD/thùng sau khi xung đột tại Ukraine xảy ra vào tháng 2/2022. Loại dầu tiêu chuẩn quốc tế này sau đó đã sụt giảm và hiện được giao dịch ở mức khoảng 84 USD/thùng hiện nay.
Nga, nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia, cho biết nước này sẽ cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày (tương đương khoảng 5% sản lượng) vào tháng 3/2023, sau khi phương Tây áp giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán nguồn cung dầu toàn cầu sẽ vượt nhu cầu trong nửa đầu năm nay, song lưu ý rằng cán cân có thể nhanh chóng chuyển sang thiếu hụt khi nhu cầu tăng trở lại và sản lượng dầu thô của Nga sụt giảm.
IEA dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 2 triệu thùng/ngày trong năm nay, với 900.000 thùng/ngày trong số này đến từ Trung Quốc.
Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Sáng kiến Dữ liệu Chung về Dầu mỏ (JODI), nhu cầu dầu toàn cầu đã đạt 102% mức trước đại dịch COVID-19 vào tháng 12/2022, chủ yếu do nhu cầu gia tăng ở Nhật Bản, Indonesia và Hàn Quốc./.