Theo ba đại diện của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, nhóm OPEC+ có thể tiếp tục thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm, dù cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng đã khiến giá dầu giảm mạnh.
Giá dầu chạm mức thấp nhất trong 15 tháng trong phiên 20/3, do khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng sau khi hai ngân hàng của Mỹ phá sản và Credit Suisse được ngân hàng lớn nhất của Thụy Sỹ là UBS cứu trợ.
[Giá dầu thế giới tăng 2% sau quyết định nâng lãi suất của Fed]
Tháng 10/2022, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11/2022 cho đến cuối năm 2023, dù các nước tiêu thụ lớn kêu gọi tăng sản lượng.
Thỏa thuận trên đã đẩy giá dầu Brent lên gần 100 USD/thùng, nhưng thị trường chịu sức ép do lãi suất tăng để kiểm soát lạm phát đe dọa đến tăng trưởng nhu cầu dầu.
Giá dầu giảm là vấn đề của hầu hết các nước thành viên OPEC+ do các nền kinh tế phụ thuộc lớn vào nguồn thu dầu mỏ.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 21/3 cho biết nước này sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày như thông báo vào tháng Hai, cho đến cuối tháng Sáu. OPEC+ sẽ tiếp tục thực hiện thỏa thuận đến cuối năm.
Một đại diện cho biết việc giá dầu giảm hiện nay liên quan đến các dự báo về thị trường tài chính, không phải do các nền tảng của thị trường.
Trong báo cáo tháng gần đây nhất, OPEC đã cập nhật dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc trong năm nay, nhưng vẫn dự báo tăng trưởng nhu cầu toàn cầu ở mức 2,32 triệu thùng/ngày./.