OPEC duy trì quan điểm thận trọng về sản lượng dầu mỏ

Bất chấp những lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung, lượng “vàng đen” dự trữ trên thế giới vẫn tiếp tục tăng và thị trường dầu mỏ sẽ chứng kiến nguồn cung ổn định trong giai đoạn tới.
Tổng Thư ký OPEC Mohammed Barkindo tại Triển lãm quốc tế về hóa dầu và tinh lọc dầu mỏ, khí đốt tại Tehran, Iran ngày 1/5/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng Thư ký OPEC Mohammed Barkindo tại Triển lãm quốc tế về hóa dầu và tinh lọc dầu mỏ, khí đốt tại Tehran, Iran ngày 1/5/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 19/5, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih đã lên tiếng kêu gọi cắt giảm một phần lượng dầu mỏ dự trữ thế giới, trong bối cảnh nguồn cung “vàng đen” toàn cầu vẫn dồi dào và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ không đưa ra quyết định về vấn đề sản lượng trước cuộc họp vào tháng Sáu tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, tuyên bố của Bộ trưởng Falih được đưa ra trước phiên khai mạc cuộc họp cấp Bộ trưởng giữa các nước thành viên OPEC và các đối tác chủ chốt khác trong đó có Nga, diễn ra cùng ngày tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia.

Theo ông Falih, bất chấp những lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung, lượng “vàng đen” dự trữ trên thế giới vẫn tiếp tục tăng và thị trường dầu mỏ sẽ chứng kiến nguồn cung ổn định trong giai đoạn tới.

Trên cơ sở đó, OPEC sẽ không đưa ra các quyết định vội vàng và tổ chức dầu mỏ này sẽ thu thập thêm dữ liệu tại cuộc họp dự kiến diễn ra vào cuối tháng Sáu tới để đưa ra động thái về vấn đề sản lượng.

[IEA: Lượng cung ứng dầu thế giới giảm do căng thẳng toàn cầu leo thang]

Bộ trưởng Falih tái khẳng định, OPEC sẽ và luôn thực hiện những điều đúng đắn nhất vì lợi ích của các nhà sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời tổ chức này sẽ tiếp tục theo đuổi phương châm này.

Một nguồn tin thị trường dầu mỏ cho biết, Saudi Arabia không muốn tăng sản lượng nhanh chóng tại thời điểm này, khi giá dầu đang dao động quanh ngưỡng 70 USD/thùng.

Saudi Arabia sẽ phải tìm cách cân bằng giữa nguồn cung ổn định trên thị trường và giá dầu đủ cao để đáp ứng nhu cầu ngân sách của nước này, mặt khác vẫn đảm bảo để phía đối tác Nga cảm thấy hài lòng.

Trong khi đó, phát biểu trước các phóng viên, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, các bên đã đưa ra khuyến nghị tiếp tục theo dõi thị trường dầu mỏ và quyết định phù hợp sẽ được đưa ra trong cuộc họp tháng Sáu.

Lựa chọn nới lỏng cắt giảm sản lượng cũng đã được thảo luận và tình hình nguồn cung sẽ trở nên rõ ràng hơn trong thời gian tới.

Một số nguồn tin tiết lộ Saudi Arabia và Nga đang thảo luận về 2 kịch bản sản lượng cho cuộc họp tới. Kịch bản thứ nhất là kết thúc thỏa thuận cắt giảm sản lượng và sẽ tăng sản lượng thêm khoảng 0,8 triệu thùng/ngày.

Kịch bản thứ hai là vẫn tiếp tục thắt chặt nguồn cung, song nới lỏng mức cắt giảm từ 1,2 triệu thùng/ngày xuống 0,9 triệu thùng/ngày.

Về phần mình, Bộ trưởng Năng lượng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Suhail al-Mazrouei chia sẻ quan điểm rằng, các nhà sản xuất dầu mỏ đủ khả năng lấp đầy bất kỳ “khoảng trống” nào trên thị trường và việc nới lỏng cắt giảm sản lượng “vàng đen” sẽ không phải là một lựa chọn đúng đắn.

Ông Mazrouei khẳng định UAE không muốn chứng kiến nguồn dự trữ dầu mỏ thế giới tăng, nhân tố có thể kéo giá dầu giảm xuống. Do đó, OPEC sẽ cần phải hành động "khôn ngoan" để duy trì cán cân thị trường ổn định.

Cuộc họp cấp Bộ trưởng các nước thành viên OPEC và đối tác diễn ra trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại về nguồn cung trên thị trường, khi xuất khẩu dầu mỏ của Iran có thể tiếp tục giảm mạnh trong tháng Năm, đồng thời lượng dầu xuất khẩu từ Venezuela sẽ giảm thêm trong những tuần tới do tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trước đó, OPEC và các đối tác chủ chốt ngoài khối (còn gọi là nhóm OPEC+) đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ 1,2 triệu thùng/ngày kể từ ngày 1/1/2019 và duy trì trong 6 tháng, nhằm giữ giá “vàng đen” và ngăn chặn tình trạng dư cung trên thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.