Giá dầu đã giảm khoảng 15% trong tháng này và giảm 50% trong năm qua nhưng cả Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng như Nga, nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới, đều không cắt giảm sản lượng để đẩy giá lên, với mục đích bảo vệ thị phần trước các đối thủ khác như Mỹ.
OPEC có thể sẽ vẫn duy trì chính sách này, khi nhận định giá dầu sẽ ngừng giảm nhờ nhu cầu gia tăng và thị trường sẽ cân bằng hơn trong năm 2016.
Trả lời báo giới tại Moskva (Nga) ngày 31/7, Tổng thư ký OPEC Abdullah Badri cho biết tổ chức này không có kế hoạch cắt giảm sản lượng, mặc dù giá dầu những tháng gần đây đi xuống và xuất hiện tâm lý lo ngại về nguồn cung dầu bổ sung từ Iran. Ông không cho rằng giá dầu sẽ giảm bởi nhu cầu đang tăng lên.
Theo ông, tình thế hiện nay là một phép thử với tất cả các nước sản xuất và các nhà đầu tư. OPEC đang đối mặt với thách thức từ khả năng Iran tăng sản lượng vào năm tới, sau khi Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử, và kêu gọi các nước thành viên khác trong OPEC giảm cung để nước này có thể tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, theo Tổng thư ký OPEC, thị trường sẽ "thích ứng" được trước nguồn cung dầu bổ sung từ Iran, nhờ nhu cầu tăng. Ý kiến đó cũng là quan điểm của các thành viên vùng Vịnh trong OPEC.
Cùng ngày trước đó, ông Badri đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak. Tại cuộc gặp, hai quan chức này không thảo luận về việc phối hợp hành động để hỗ trợ thị trường. Ông Badri nói rằng cho dù OPEC có giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày (tương đương với một nửa lượng dầu xuất khẩu của Nga) thì điều này cũng không hỗ trợ giá dầu.
Còn theo quan điểm của ông Novak, giá dầu được kỳ vọng sẽ ở trong khoảng 50-65 USD/thùng, so với mức 54 USD/thùng hiện nay. Ông cũng nhận định nhu cầu dầu mỏ của thế giới sẽ tăng 1,2-1,3 triệu thùng/ngày trong năm nay.
OPEC, tổ chức chiếm 40% tổng sản lượng dầu toàn cầu, đặt ra hạn ngạch sản lượng 30 triệu thùng/ngày./.