OPEC: Ngành dầu mỏ cần đầu tư 14.000 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu thế giới

Theo Báo cáo Triển vọng Dầu mỏ Thế giới mới nhất của OPEC, tổng mức đầu tư tích lũy cần thiết cho ngành dầu mỏ từ nay đến năm 2045 phải ở mức xấp xỉ 14.000 tỷ USD, tương đương khoảng 610 tỷ USD/năm.

Giàn khoan dầu tại thị trấn al-Qahtaniyah, tỉnh Hasakah, Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giàn khoan dầu tại thị trấn al-Qahtaniyah, tỉnh Hasakah, Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), ông Ayed Al-Qahtani ngày 27/3 cho rằng khoản đầu tư 14.000 tỷ USD vào ngành năng lượng toàn cầu là cần thiết để đáp ứng nhu cầu dầu mỏ ngày càng tăng của thế giới, dự kiến tăng lên 116 triệu thùng/ngày vào năm 2045.

Theo báo Arab News của Saudi Arabia, phát biểu bên lề Hội thảo Năng lượng Chung lần thứ 10 do OPEC, Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) phối hợp tổ chức tại thủ đô Vienna của Áo, ông Al-Qahtani cho rằng khoản đầu tư cần thiết nói trên có nghĩa là ngành dầu mỏ thế giới cần số vốn đầu tư trung bình hàng năm 610 tỷ USD.

Hồi tháng 1/2024, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ đạt 106,21 triệu thùng/ngày vào năm 2025, đồng thời khẳng định nhu cầu dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng trong hai thập niên tới.

Ông Al-Qahtani cho hay: "Báo cáo Triển vọng Dầu mỏ Thế giới mới nhất của chúng tôi chỉ ra rằng tổng mức đầu tư tích lũy cần thiết cho ngành dầu mỏ từ nay đến năm 2045 phải ở mức xấp xỉ 14.000 tỷ USD, tương đương mức trung bình khoảng 610 tỷ USD/năm."

Ông nhấn mạnh khoản chi tiêu khổng lồ này sẽ là cần thiết để đáp ứng nhu cầu dầu toàn cầu, dự kiến đạt 116 triệu thùng/ngày vào năm 2045.

Ông Al-Qahtani nói thêm: "Đây phải là ưu tiên của ngành dầu mỏ nếu chúng ta muốn duy trì an ninh nguồn cung và tránh những biến động không mong muốn trong những năm tới. Chúng ta phải tiếp tục làm mọi thứ có thể để tránh mọi biến động."

Trong khi đó, ông Christof van Agt Ross, Giám đốc Đối thoại Năng lượng của IEF, cho rằng ngành dầu mỏ cần phải có các phân tích liên tục để đảm bảo sự ổn định của thị trường năng lượng.

Hồi đầu tháng 3/2024, Tổng thư ký OPEC Haitham Al-Ghais nêu rõ những lời kêu gọi từ bỏ hoàn toàn dầu mỏ và dựa hoàn toàn vào năng lượng tái tạo là "sai lầm" và "phi thực tế."

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn KUNA của Kuwait, ông Al-Ghais nhấn mạnh: "Nếu dầu mỏ biến mất, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo, chẳng hạn như sản xuất tuabin gió và tấm pin Mặt Trời, vì các hoạt động này có liên quan đến các sản phẩm dầu mỏ."

Còn Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng Saudi Aramco của Saudi Arabia cho rằng mặc dù thế giới đã đầu tư hơn 9.500 tỷ USD vào quá trình chuyển đổi năng lượng trong hai thập kỷ qua, các giải pháp thay thế vẫn không thể thay thế hydrocarbon trên quy mô lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.