OPEC tuân thủ nghiêm thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu

OPEC ngày 12/2 cho biết tổ chức này đã cắt giảm mạnh sản lượng khai thác dầu thô trong tháng 1/2019, sau khi Saudi Arabia hạ sản lượng và hoạt động xuất khẩu từ Venezuela sụt giảm.
OPEC tuân thủ nghiêm thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu ảnh 1Cơ sở khí ga hóa lỏng và khí tự nhiên hóa lỏng của Qatar ở thành phố công nghiệp Ras Laffan, cách thủ đô Doha khoảng 80km về phía bắc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 12/2 cho biết tổ chức này đã cắt giảm mạnh sản lượng khai thác dầu thô trong tháng 1/2019, sau khi Saudi Arabia hạ sản lượng và hoạt động xuất khẩu từ Venezuela sụt giảm.

Trong báo cáo tháng mới công bố, OPEC cho hay sản lượng khai thác dầu của tổ chức này trong tháng 1/2019 giảm 797.000 thùng so với tháng trước đó, theo cam kết cắt giảm sản lượng nhằm thúc đẩy giá dầu. Việc này đưa sản lượng của OPEC xuống 30,81 triệu thùng dầu trong tháng 1/2019.

Nước thành viên OPEC cắt giảm sản lượng dầu nhiều nhất trong tháng 1/2019 là Saudi Arabia (với 350.000 thùng dầu/ngày), tiếp đến là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Kuwait.

[Nguồn cung dầu thắt chặt tiếp tục hỗ trợ giá 'vàng đen']

Sản lượng khai thác dầu tại Venezuela - đất nước đang bị ảnh hưởng bởi khủng khoảng kinh tế, bất ổn chính trị và các biện pháp trừng phạt của Mỹ - sụt giảm 59.000 thùng/ngày trong tháng 1/2019.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ Thế giới (WGS) diễn ra trong các ngày 10-12/2 tại Dubai, UAE, Bộ trưởng Năng lượng Suheil al-Mazrouei của UAE dự đoán cán cân cung và cầu trên thị trường dầu mỏ sẽ cân bằng trong quý đầu của năm 2019 sau nhiều tuần sản lượng được cắt giảm.

Theo kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác đã đạt được trước đó, các nước thành viên OPEC cùng những nhà sản xuất dầu lớn khác trên thế giới đã bắt đầu giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày tổng cộng kể từ tháng 1/2019 để vực dậy giá dầu. Kế hoạch này dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 6/2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.