Bà Mary Ng - Bộ trưởng phụ trách Thương mại quốc tế, Xúc tiến xuất khẩu, Doanh nghiệp nhỏ và Phát triển kinh tế của Canada ngày 29/8 cho biết nước này đã chính thức đệ đơn phản đối các mức thuế quan "không chính đáng và không công bằng" mà Mỹ áp đặt đối với gỗ xẻ mềm của Canada.
Bà Mary Ng nêu rõ Ottawa đã đệ đơn phản đối theo hệ thống giải quyết tranh chấp của Thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), mà Canada gọi là CUSMA.
Theo Bộ trưởng Ng, các mức thuế này gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và người lao động Canada, và cũng có tác động như thuế đánh vào người tiêu dùng Mỹ, vốn đang phải đối phó với lạm phát và các vấn đề về chuỗi cung ứng. Mỹ từ lâu đã dựa vào các sản phẩm gỗ xẻ cạnh tranh của Canada để đáp ứng nhu cầu trong nước về vật liệu xây dựng chất lượng cao và bền vững.
Đầu tháng này, Mỹ đã cắt giảm 50% mức thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng xuống 8,59% từ mức 17,61%. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ng đã cảnh báo rằng Canada vẫn sẽ chống lại các biện pháp này.
[Mexico: Không rút khỏi Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada]
Mỹ và Canada áp dụng các hệ thống khác nhau để tính phí đốn cây. Ở phần lớn các khu vực của Canada, người mua phải trả “phí” cho chính quyền các tỉnh để có quyền khai thác.
Cốt lõi của khiếu nại của Mỹ đối với xuất khẩu gỗ xẻ của Canada là mức phí trên quá thấp, để sau đó gỗ được bán phá giá vào thị trường Mỹ. Bà Ng nhấn mạnh Canada sẵn sàng hướng tới một giải pháp thương lượng trong tranh chấp kéo dài này.
Theo số liệu chính thức của chính phủ Canada, nước này xuất khẩu gỗ xẻ mềm trị giá khoảng 8 tỷ CAD ra thị trường thế giới mỗi năm và Mỹ là đối tác đơn lẻ lớn nhất. Không phải tất cả gỗ của Canada sẽ phải đối mặt với mức thuế giống nhau, vì Mỹ cáo buộc các công ty khác nhau được trợ cấp ở các mức khác nhau.
Ngành công nghiệp gỗ mềm là một trong những động lực chính của hoạt động kinh tế trên khắp Canada và là một thành phần thiết yếu của ngành lâm nghiệp nước này - ngành đã đóng góp hơn 34,8 tỷ CAD (tương đương 26,7 tỷ USD) vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Xứ sở Lá phong trong năm 2021 và sử dụng khoảng 205.000 lao động./.