Tình trạng bất bình đẳng thu nhập giữa người giàu và người nghèo trên thế giới hiện ở mức rất đáng lo ngại, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới ngày càng mở rộng.
Đây là cảnh báo của tổ chức phi chính phủ Oxfam International đưa ra ngày 21/1.
Trong báo cáo công bố trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos của Thụy sĩ, Oxfam cho biết 26 người giàu nhất thế giới sở hữu khối tài sản tương đương tổng tài sản của nửa nghèo nhất thế giới.
Trong năm 2018, tài sản của các tỷ phú tăng 12% trong khi tài sản ít ỏi của 3,8 tỷ người nghèo nhất thế giới (một nửa thế giới) lại vơi đi 11%.
Mỗi ngày, tổng tài sản của các tỷ phú thế giới tăng thêm 2,5 tỷ USD và cứ hai ngày lại có thêm một triệu phú gia nhập nhóm đẳng cấp tỷ phú.
Cũng theo báo cáo trên, trong năm vừa qua, tài sản của Giám đốc điều hành tập đoàn Amazon của Mỹ Jeff Bezos, người giàu nhất thế giới, tăng lên 112 tỷ USD.
Khoảng 1% số tài sản của tỷ phú này tương đương toàn bộ ngân sách dành cho y tế của Ethiopia, quốc gia Đông Phi có 105 triệu dân.
[Chuyên gia “chê” thuế thu nhập doanh nghiệp thấp, đề xuất tăng thêm]
Oxfam cảnh báo khoảng cách ngày càng nới rộng giữa thu nhập của người giàu và người nghèo đang làm suy yếu cuộc chiến chống đói nghèo, gây thiệt hại cho các nền kinh tế và khiến người dân bất bình.
Để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, Oxfam kêu gọi các chính phủ tăng thuế thu nhập đối với người giàu, đồng thời có hướng tiếp cận kinh tế mới để điều chỉnh sự phân phối tài sản trên thế giới.
Theo Oxfam, trong giai đoạn 1970-2013, mức thuế cao nhất mà giới tài phiệt ở các nước phát triển phải nộp đã giảm từ 62% xuống còn 38%.
Ông Paul O’Bien, Phó Chủ tịch phụ trách công tác chính sách và vận động của Oxfam Mỹ, cho rằng thay vì một nền kinh tế tập trung cho tăng trưởng bằng mọi giá, thế giới cần phải hướng tới “nền kinh tế vì con người.”
Theo ông, nền kinh tế vì con người sẽ chú trọng chăm sóc sức khỏe, giáo dục và bình đẳng giới cho người dân toàn cầu thay vì chỉ tập trung tăng trưởng kinh tế thuần túy.
Tăng thuế đối với những người và những công ty giàu nhất thế giới sẽ mang lại nguồn kinh phí để thực hiện những chương trình xã hội này.
Theo ước tính của Oxfam, tăng thuế 0,5% đối với những người giàu nhất thế giới sẽ giúp tạo đủ kinh phí cho 262 triệu trẻ em hiện không được đi học có cơ hội đến trường và cứu được 3,3 triệu người không phải tử vong vì những bệnh có thể phòng ngừa được./.