Pakistan đền bù 6 tỷ USD cho công ty nước ngoài vì đóng cửa mỏ vàng

Theo WB, Pakistan sẽ phải trả gần 6 tỷ USD tiền đền bù thiệt hại cho các công ty khai mỏ vàng nước ngoài, sau khi Chính phủ nước này năm 2011 quyết định đóng cửa các mỏ vàng.
Pakistan đền bù 6 tỷ USD cho công ty nước ngoài vì đóng cửa mỏ vàng ảnh 1Đồng USD. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 14/7 cho biết Pakistan sẽ phải trả gần 6 tỷ USD tiền đền bù thiệt hại cho các công ty khai mỏ vàng nước ngoài, sau khi Chính phủ Pakistan năm 2011 quyết định đóng cửa các mỏ vàng mà các công ty này đang khai thác.

Liên danh Tethyan Copper, trong đó công ty vàng Barrick của Canada và Antofagasta Minerals của Chile đều góp 37,5% cổ phần, là dự án khai mỏ dùng tiền Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất của Pakistan.

Cách đây hơn một thập kỷ, liên danh này đã phát hiện các mỏ vàng và đồng lớn tại Reko Diq, thuộc tỉnh Baluchistan thuộc Tây Nam và lên kế hoạch khai thác mỏ thu lợi nhuận cao. Nhưng dự án đã bị đình lại vào năm 2011 sau khi chính quyền địa phương từ chối cấp phép cho công ty.

Năm 2013, tòa án tối cao Pakistan tuyên bố vô hiệu đối với quyết định trên vào năm 2013.

Ngày 12/7 vừa qua, ủy ban trọng tài quốc tế của WB đã xác định thiệt hại của Tethyan là 5,84 tỷ USD vì quyết định đóng cửa mỏ vàng trên.

[Phát lộ một trong những mỏ vàng, bạc và đồng lớn nhất thế giới] 

Theo Barrick và Antofagasta, nhà máy ước tính có thể sản xuất 600.000 tấn đồng và 250.000 lượng vàng mỗi năm.

Trong một tuyên bố, Tổng công tố Pakistan Anwar Mansoor Khan cho biết đã được thông báo về quyết định của ủy ban trên và "rất thất vọng."

Tuyên bố cho biết thêm các chuyên gia pháp lý của Pakistan đang "nghiên cứu quyết định trên và xem xét các tác động tài chính và pháp lý kéo theo."

Giám đốc điều hành Antofagasta, ông Ivan Arriagada cho biết: "Chúng tôi rất vui đã đến được mốc lịch sử này sau hơn 7 năm trọng tài phân xử."

Trong khi đó, Chủ tịch liên danh Tethyan Copper, William Hayes cho biết công ty sẵn sàng thảo luận một giải pháp qua thương lượng với Pakistan và sẽ tiếp tục bảo vệ các lợi ích thương mại cũng như các quyền lợi pháp lý của mình cho đến khi kết thúc tranh chấp.

Diễn biến trên xảy ra vài tuần sau khi Thủ tướng Pakistan Imran Khan vừa được đảm bảo khoản vay trị giá 6 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong bối cảnh đồng rupee mất giá và lạm phát tăng vọt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.